Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Tình thương Chúa vô bờ bến


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng thứ sáu tuần 3 thường niên


CHÚA CHỮA LÀNH CHO MÔT BÊNH NHÂN CHÁN ĐỜI

Hôm mùng 7 tháng 6 năm 2011 hôm nay cũng như mọi hôm trong lúc tôi làm việc tôi phải đi ra đưa thuốc và nói những lời chỉ dẫn cho một bệnh nhân về thuốc an thần. Cô nầy rất trẻ khoảng ngoài 30 tuổi. Cô đang bị bênh chán đời không muốn sống và đến trước cửa sổ để lấy thuốc. Tôi có cắt nghỉa cho cô phải uống thuốc như thế nào và thuốc rất có nhiều ảnh hưởng phụ không tốt như muốn làm cho bệnh nhân có ý định tự tử v.v. Nhìn nét mặt cô có vẻ rất buồn bả, lo lắng, tôi thấy tội nghiệp và Chúa bảo hãy cầu nguyện chữa lành cho cô đi. Tôi vội vàng hỏi cô rằng:” Cô có tin Chúa Jesus sẽ chữa lành cô hết bệnh chán đời nầy không? Cô nói tôi tin. Tôi bảo cô đưa tay cho tôi nắm lấy để tôi cầu nguyện cho cô nha. Cô bằng lòng tôi nắm lấy bàn tay cô và kêu xin Chúa Jesus chữa lành như sau:” TRONG DANH ĐỨC CHÚA JESUS XIN CHA THƯƠNG XÓT CHỮA LÀNH BÊNH CHO CÔ NẦY HẾT BÊNH CHÁN ĐỜI ĐỂ CÔ BIẾT RẰNG CHÚA JESUS LÀ ĐẤNG SỐNG VÀ THỜ PHƯỢNG NGÀI.” Trong lúc cầu xin chúa chữa lành tôi thấy cô nắm tay tôi rất chặc và tôi cũng phải xiết chặc tay cô nếu không thì cô té xuống đất rồi. Cầu xin xong tôi hỏi cô ra sao rồi? Cô nói:”Thật kỳ lạ quá, người tôi như có một luồn điện cực mạnh chạm vào người tôi, tôi phải bám víu vào cô một tay, còn tay kia tôi phải bám vào thanh cửa để không té, nếu không tôi bị té nằm dài xuống đất từ lâu. Cám tạ ơn Chúa bây giờ tôi nghe người rất nhẹ nhàng và dường như trong người tôi có một cái gì vừa xuất ra khỏi tôi xong tôi nghe nhẹ nhàng, không còn buồn nữa. Chúa đã chữa lành tôi rồi!” Hallelujah! Cô từ giả tôi ra về với tấm lòng hân hoan vui vẻ và cám ơn Chúa đã lấy hết sư buồn khổ trong cô. Tôi trở vào làm việc với lòng vui mừng bì biết rằng Thánh Linh có nhậm lời cầu xin của tôi và có tác động mạnh mẽ trên thân thể cô bệnh nhân nầy từ bàn tay tôi chuyền sang cho người bệnh và thật sự cô đã tiếp nhận được sự chữa lành từ nơi Cha từ ái. Thật Chúa nhân từ và thương xót tất cả những ai kêu cầu đến danh Ngài! Hallelujah! CHÚA JESUS LÀ ĐẤNG CHỮA LÀNH! AMEN!

Thứ sáu 31/01/2020 - Tuần 3 TN
Lời Chúa : Mc 4, 26-34

(26) Người nói: "Chuyện Nước Thên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. (27) Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. (28) Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. (29) Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."(30) Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? (31) Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. (32) Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."(33) Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. (34) Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.

Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ: Hãy đi loan báo tin mừng nước trời. Chúa ví nước trời như hạt giống gieo xuống đất. Hạt bé nhỏ, dậy cho môn đệ Chúa và qua các môn đệ dậy cho ta khi rao giảng tin mừng, phải kiên nhẫn, và đừng đốt giai đoạn. Phải để cho hạt giống có thời gian nứt vỏ, mọc mộng, bám rễ sâu rồi mầm non mới vươn lên được.
       Hạt giống tin mừng cũng thế, đòi hỏi thời gian để rễ ăn sâu vào lý trí, mở rộng tâm hồn rồi, phát sinh cây Đức Tin. Bấy giờ Phép Rửa tội mới làm cho đời sống Kitô hữu, đã có cơ sở hạ tầng sẽ vươn lên mà không bị gió, hay nắng làm thui chột, thì mùa thu hoạch mới gặt hái được nhiều.
        Nếu chỉ mong thu hoạch nhiêu, thì e phẩm sẽ ít.
Lời Chúa là Lời luôn luôn hiện đại như hạt giống là nhữnh hạt đã được chọn, luôn luôn là tốt dù là nhỏ bé như hạt cải. nhưng khi mọc lên sẽ phát sinh rậm cành xanh lá, sẽ phát triển như cây lớn, chim chóc có thể ẩn náu dưới lá cành.
       Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để gieo giống. Như người nông phu đảm đang, ta phải tin tưởng vào sức mạnh tự phát của Lời Chúa. Ta cứ gieo, gieo thật nhiều không bằng nói nhiều, nhưng bằng cách sống – và cứ nhẫn nại, đừng làm như đứa trẻ gieo hạt rồi mỗi ngày bới đất để coi thì hạt giống sẽ bị thui chột.

" Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn cho chúng con biết những phương cách mà Chúa đang thực hiện trong cuộc sống của chúng con và con đường tương lai mà Chúa đã lên kế hoạch cho chúng con. Giúp chúng con biết nhận ra và thừa nhận các phép lạ dù lớn hay bé mà Chúa đã thực hiện trong cuộc sống của chúng con. "

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2020

Gương sáng


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng thứ năm tuần 3 thường niên

Hơn 150 năm trước, nhà cải cách xã hội Nguyễn Trường Tộ từng cho rằng: Nói lý thuyết suông không bằng đích thân làm những công việc cụ thể. Quan điểm này rất đúng với việc giáo dục, mà cốt yếu là lấy việc làm gương để con trẻ noi theo chứ không phải chỉ toàn bằng lý thuyết.
Một phụ huynh trò chuyện với chúng tôi: “Mình muốn con không bị “hư” bởi mạng xã hội hiện nay thì chính mình phải làm gương. Anh dùng điện thoại gì? Một ngày lướt mạng bao nhiêu thời gian? Chúng thấy anh như thế nào, thì anh mới kiểm soát được chúng sử dụng”. Phụ huynh này cho biết “để khuyến khích con chơi thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, tôi phải làm gương trước”. Cho con tập bơi, đến hồ con sợ nước, “tôi mang áo phao vào cho chúng, rồi ném chúng xuống hồ. Tôi xuống bơi cùng chúng. Lần sau chúng không còn sợ nước nữa”. Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến một phụ huynh khác trước đây, khi vị này cho rằng “để khuyên con không hút thuốc lá, thì bản thân tôi phải cai hút thuốc, mặc dù rất nghiện”.  ở trường học, thầy cô dạy trò mẫu mực nhưng bản thân mình không chịu làm gương thì khó mà thành công được. Muốn trò nghiêm túc trong sinh hoạt tập trung thì chính thầy cô phải thật nghiêm túc trong các cuộc họp hội đồng, sinh hoạt dưới cờ. Muốn “học sinh phải hát Quốc ca to, rõ, đều... để thể hiện sự tự hào dân tộc” thì chính giáo viên phải hát cho tốt đã. Muốn học trò nói năng lễ độ, ăn mặc tươm tất, thì trong chính cách nói năng với học trò, với đồng nghiệp và cách ăn mặc của giáo viên phải làm gương trước. Bởi lẽ có những cách nói, cách ăn mặc của thầy cô sẽ ảnh hưởng và trở thành thói quen đi suốt cuộc đời của học trò.
Rộng ra ngoài xã hội, khi thấy trẻ hư, nhiều người vội vàng quy chụp do lỗi của nhà trường mà không thấy trách nhiệm cộng đồng trong ấy. Trường học dạy trò nghiêm túc chấp hành luật giao thông, nhưng đi đường chúng thấy toàn người lớn phạm luật. Trường dạy chúng không được xả rác bừa bãi, nhưng ra ngoài người lớn lại không chịu làm gương… Nhiều bài học tốt đẹp của nhà trường đã bị chính xã hội, người lớn giết chết khi học trò cọ xát thực tế. Làm cho họ cảm thấy bi quan, ngờ vực đạo đức sách vở.
 Tôi nhớ câu nói dân gian: “Trăm năm soi chiếc gương mờ/Không bằng một phút soi nhờ gương trong”. Đúng vậy, con trẻ ngày nay cần lắm “gương trong” của gia đình, nhà trường và xã hội để chúng soi vào đấy mà trưởng thành!Nauy, một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 14 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà. Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè :
- Mày đi kiểu gì vậy ?
Cậu bé trả lời:
- Dạ con đi theo bước chân của cha!
Sự gương mẫu đối với trẻ em là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Chúng ta có thể huyên thuyên giảng giải trong hàng giờ đồng hồ song chúng chẳng nhớ bao nhiêu, thế nhưng những gì chúng nhìn thấy sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm. Rồi đến một ngày, chúng ta nhìn thấy con em chúng ta nói những lời giống hệt như ta, giận dữ hệt ta, hống hách hệt ta, lười biếng hệt ta … Và chúng sẽ trả lời với ta rằng :”Con đang bước theo bước chân của ba mẹ!”.

Có thể tôi với bạn giật mình khi đọc câu chuyện này, mỗi người có suy tư riêng với câu chuyện trên, nhưng đây chính là lời mời gọi tôi nhìn về những hành vi cử chỉ và lối sống của tôi sẽ ảnh hưởng đến những trẻ em tôi dạy, và gặp gỡ trên hành trình làm người.
      Cậu bé trong câu chuyện hoạ lại chính hình ảnh của người cha say xỉn, phần nào đã làm người cha nhìn lại bản thân qua chính người con.
     Tôi không biết kinh nghiệm truyền khẩu này có đúng, và đúng bao nhiêu phần trăm khi người ta nói rằng, muốn biết cô gái mà mình sẽ đón về làm vợ thế nào thì hãy nhìn vào cách sống và chăm sóc gia đình của người mẹ cô ấy. Còn người con gái muốn biết phu quân tương lại của mình thì hãy nhìn vào cách sống của cha anh ấy. Nhưng phần nào nói lên vấn đề "làm gương" rất là quan trọng trong đời sống.

Thứ năm 30/01/2020 - Tuần 3 TN
Lời Chúa :  Mc 4,21-25 

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe". Và Người bảo họ rằng: "Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất"

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng không có gì có thể dấu diếm hay giữ được bí mật mãi mãi. Chúng ta có thể cố che giấu người khác, hay chính chúng ta, và cả Thiên Chúa những thứ gì xấu xa tội lỗi. Có lúc chúng ta đã cố nhắm mắt làm ngơ trước những tội lỗi của chúng ta hay những thói quen tật xấu của chúng ta, ngay cả khi chúng ta biết được cái tai hại hay những hậu quả đó. Mặc dù chúng ta cố che đậy những hậu quả tội lỗi của chúng ta, chúng ta nghĩ chúng ta có thể che dấu được trước mặt Thiên Chúa nữa. Nhưng, chúng ta không thể nào qua mặt được Thiên Chúa. vì Ngài rất thông minh và Ngài biết mọi sự, Ngài biết và thấy tất cả những gì chúng ta đang che dấu hay đang nghĩ trong lòng.
Thật là hạnh phúc cho những ai sống trong ánh sáng của Thiên Chúa và những ai tìm kiếm chân lý của Ngài. Những ai biết lắng nghe tiếng Chúa, thực thi ý muốn của Thiên Chúa và đem chân lý của Ngài phân phát cho người chung quanh thì chắc chắn sẽ nhận được rất nhiều phần thưởng và ân sũng của Ngài, họ sẽ không thiếu những thứ gì họ cần để sống như những người môn đệ trung tín của Chúa Kitô, và họ sẽ tỏa sáng chân lý và Tìh Yêu thương của Thiên Chúa như ngọn đèn đặt trên cao cho mọi người đèu nhìn thấy được tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Qua việc lành phúc đức, qua các công việc bác ái của chúng ta làm hàng ngày, chúng ta sẽ có những niềm vui và tự do trong cuộc sống, trong ánh sáng của Thiên Chúa.

Tâm tình :

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Thế nào là mảnh đất tốt ?


Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng thứ tư tuần 3 thường niên


Sam Walton – ông vua bán lẻ ở Mỹ từng là nhân viên vắt sữa bò, phát báo
Mệnh danh là “ông vua bán lẻ”, Sam Walton – sáng lập tập đoàn bán lẻ Wal- Mart được lịch sử ghi nhận là một trong những người giàu nhất thế giới trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Sam Walton đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh doanh thời bấy giờ, nhưng ít ai biết rằng, ông khởi nghiệp chỉ với vài đồng xu trong túi.

Ông sinh năm 1918 trong một gia đình nông dân nghèo ở tiểu bang Oklahoma. Vào giai đoạn đại khủng hoảng của nước Mỹ, gia đình Sam cũng như nhiều gia đình khác đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ năm lớp 7 đến khi học tại trường đại học Missouri, với ý chí tự lập, Sam Walton đã làm nhiều công việc như nhân viên giao báo, bảo vệ, phục vụ nhà hàng,… để nuôi sống bản thân, trang trải học phí. Tốt nghiệp đại học, ông làm việc cho J.C Penny, nơi ông học hỏi được những kinh nghiệm đầu tiên về công việc bán lẻ.

Ông đã vay để mua cửa hàng đầu tiên, và nhờ sáng kiến đơn giản trong kinh doanh, ông đã sớm mua cửa hàng thứ hai.. Và cửa hàng Wal-Mart đầu tiên thực sự ra đời vào ngày 02 Tháng Bảy năm 1962 tại Rogers, Arkansas. Vào thời điểm qua đời năm 1992, ông đã sở hữu 1.960 cửa hàng Wal-Mart, 380.000 nhân công và tốc độ bán hàng hàng năm khoảng 50 tỷ USD.


Thứ tư 29/01/2020 - Tuần 3 TN
Lời Chúa : Mc 4, 1-20

(1) Ðức Giêsu lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. (2) Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:(3) "Các người nghe đây! Kìa người gieo giống đi ra gieo giống. (4) Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. (5) Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; (6) nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. (7) Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. (8) Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được mmột trăm." (9) Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe!"(10) Khi còn một mình Ðức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. (11) Người nói với các ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, (12) để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ."(13) Người còn nói với các ông: "Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn? (14) Người gieo giống đây là người gieo lời. (15) Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xatan liền đến cất lời đã gieo nơi họ. (16) Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, (17) nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay. (18) Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời, (19) nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì. (20) Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm."

Suy niệm :
 Lời Chúa hôm nay như một bản xét mình về đời sống thiêng liêng, chúng ta đã để Lời Chúa được gieo vãi trong tâm hồn chúng ta như thế nào?. Nếu tâm hồn tôi là vỉa hè, đường trải nhựa, xi măng không đất cát, nóng bỏng, thì làm sao hạt giống đâm rễ được ?. Nếu tâm hồn ta là một bụi gai um tùm, đâm tua tủa, khi hạt giống rơi vào sẽ bị vướng và nằm chơ vơ giữa bụi gai, thì làm sao hạt giống chạm tới đất và nảy mầm được ?. Nếu cõi lòng tôi như một mảnh đất hoang khô cằn sỏi đá, không một dòng nước hay một bóng cây, chỉ có nắng, sỏi với đá cứng cỏi, khô khốc... và nếu hạt giống có rơi vào kẽ đá và nảy mầm, thì “tuổi thọ” của nó cũng không kéo dài được bao lâu hoặc chỉ phát triển trong èo uột vì thiếu nước, thiếu đất.
Có những hạt giống không bao giờ trở thành một cái gì tốt đẹp, vì rơi trên vệ đường, sỏi đá, bụi gai… Chỉ những hạt giống rơi vào đất tốt mới đem lại hoa quả cho đời. Ta thử hình dung nếu hạt giống mà biết buồn biết vui thì thật tội nghiệp cho những hạt rơi vào bụi gai, sỏi đá hay trên vệ đường. Chúng sẽ tủi phận như ‘thân gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu” … Chúa Giêsu giải thích rằng hạt giống đây là Lời Chúa. Và ta thấy đó, Lời Chúa nhiều khi thật tội nghiệp, thật tủi thân!
Khi gieo Lời Chúa vào mảnh đất tâm hồn chúng ta, Chúa muốn hạt giống của Ngài sinh nhiều hoa trái. Chính tinh thần của Tin Mừng làm phát triển đời sống của người Kitô hữu và đời sống của Hội Thánh.

Lạy Chúa, nhưng sao mảnh đất tâm hồn chúng con sao nhiều gai góc, sỏi đá quá. Lời Chúa gieo vào luôn bị chết ngạt bởi đam mê tật xấu, bởi những lo lắng phận đời và chạy theo những vinh hoa phú quý trần thế. Chúng con đã để tâm hồn chai cứng bởi sự lười biếng và ẩu thả của bản thân. Chúng con chưa thực sự để tâm lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Chúng con còn sợ hy sinh, ngại gian khó. Chúng con không dám vì hạnh phúc Nước trời vĩnh cửu mà bỏ qua những thú vui bất chính trần gian. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con biết chọn giá trị vĩnh cửu hơn là những danh lợi thú mau qua. Xin cho tâm hồn chúng con luôn là mảnh đất tốt cho hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái bằng những việc lành phúc đức cho anh em. Amen

Thứ Ba, 28 tháng 1, 2020

Gia đình mới

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng thứ ba tuần 3 thường niên năm a


Thứ ba 28/01/2020 - Tuần 3 TN
Lời Chúa: Mc 3, 31-35

Khi ấy, Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi”.

Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia. Có một gia đình mới đang ngồi trong này.
Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt. Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều, một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt, nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau, đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống. Đức Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.
Và Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế. Đức Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ, Gioan và Giacôbê để lại người cha. Tương quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.Nhưng nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.
Đức Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:“Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.” Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu. Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này, có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa, có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha, và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm nay đã trở thành cây cao cho chim trời rủ nhau trú ngụ. Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,
đã làm bột dậy lên, để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ, các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.
Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba, người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian, cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam, nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ. Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa, gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng, trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống. Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.
Lm. Antôn nguyễn Cao Siêu. S.J

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Nhớ về nguồn cội

Đây là cách báo đáp ân nghĩa đối với cha mẹ rất ý nghĩa mà con cái nên làm


Có lẽ, chả có ngôn từ nào để diễn tả về tội ác “trời không dung, đất không tha” của Lưu Văn Thắng, kẻ đã sát hại chính bố mẹ đẻ của mình chỉ vì không xin được tiền chơi cờ bạc.

Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 12/2012, Lưu Văn Thắng (SN 1986, trú tại số 5, tổ 25, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đón nhận hình phạt cao nhất dành cho tội ác của mình, hình phạt tử hình. Thế nhưng, rất nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy vẫn day dứt với câu hỏi không hồi đáp, một khi huyết thống nhạt nhòa, thì người ta bấu víu vào đâu để đòi lại niềm tin?

Một cụ già đầu tóc bạc phơ, chắc là hàng xóm của ông Lưu Văn Dơi bà Nguyễn Thị Gái (cùng sinh năm 1962), cha mẹ ruột và cũng là nạn nhân của Thắng, đã bảo rằng: Nếu trên đời này còn có nơi gọi là âm ty địa ngục, thì loại “ma quỷ như thằng Thắng” cũng không đáng được đặt chân. Nó phải đem vứt vào vạc dầu may ra cái linh hồn tội lỗi ấy mới được gột rửa phần nào.

Suốt cả phiên xét xử, Thắng không dám ngẩng đầu lên lấy một lần. Khuôn mặt hắn luôn cúi gằm chịu trận. Có lẽ, hắn sợ phải đối diện với hàng trăm cặp mắt phẫn uất của người thân, gia đình và hàng xóm láng giềng đang đổ dồn về phía vành móng ngựa. Ai cũng muốn nhìn tận mặt tên sát thủ máu lạnh xem “mồm ngang mũi dọc nó thế nào” mà gây nên tội ác “tày trời” như thế.
Trước tòa, Thắng còn “hờn trách”: “Cũng chỉ vì bị cáo ham mê cờ bạc nên mới mang nợ vào thân. Người ta đòi rát quá, có kẻ còn dọa “nếu không trả thì xin tí tiết”. Không còn cách nào khác nên bị cáo mới quay về xin tiền bố mẹ. Mà nhiều nhặn gì đâu, có mỗi… 20 triệu đồng. Không cho thì thôi, ai lại đi mắng chửi như thế! Nghĩ bố mẹ không còn thương mình nữa, nên bị cáo mới quyết định hành động như vậy…”.

Nghe những “lý giải” trơn tuồn tuột ấy, người ta không khỏi lạnh người. Có cảm giác, ẩn đằng sau hình hài nhỏ thó, khuôn mặt gầy nhẳng của hắn là một tâm hồn quỷ dữ. Bởi, kể cả những kẻ tâm thần có lên cơn điên loạn, hóa dại mất khôn đến dường nào thì cũng khó đủ dã tâm để làm cái việc mất tính người như vậy. Đằng này, sau khi nghe bố mẹ mắng nhiếc vài câu, Thắng còn đủ tỉnh táo ngồi ủ mưu tính kế rồi nửa đêm trèo tường, cậy cửa vào nhà hạ sát cả hai ông bà thì nó cũng là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”.

Mà nào bố mẹ hắn có hắt hủi hay để hắn thua thiệt gì so với bạn bè cho cam. Ông bà cũng nuôi nấng, chăm chút hắn từng ly từng tý, lớn lên cũng dựng vợ gả chồng, cũng nhà cao cửa rộng. Ấy vậy mà đầu óc hắn toàn nghĩ những điều xằng bậy. Hắn đâu biết rằng, dù nhà có 3 chị em, trên hắn có hai chị gái, nhưng do hắn là con út, lại là “độc đinh, mũ gậy” nên còn có phần được cưng chiều.

Từ thuở “thò lò mũi xanh”, Thắng đã ham mê game online và cờ bạc. Mấy thứ đó, cũng chẳng cần ai lôi kéo, ép uổng gì, hắn “cam tâm tình nguyện” chui vào. Mỗi khi hết tiền, không vay mượn được ai, hắn lại về nhà “xoáy” ông Dơi, bà Gái. Hoặc cùng lắm hắn theo đám bạn nhầng nhầng tóc xanh tóc đỏ đi chôm chỉa, hoặc… mượn tạm hàng xóm dăm ba thứ đồ lặt vặt bán lấy tiền. Cũng vì một lần “mượn đồ hàng xóm không chịu hỏi” ấy, năm 2005, hắn đã từng bị TAND quận Hoàng Mai tuyên phạt 18 tháng tù. Khi ấy, hắn mới 19 tuổi.

Ra tù, thấy hắn có người yêu, bố mẹ hắn cũng mừng. Cưới vợ cho hắn xong, ông bà cóp nhặt, lần hồi mãi rồi cũng dựng cho vợ chồng hắn ngôi nhà 3 tầng trên phần đất của gia đình. Tưởng rằng nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề sẽ giúp hắn từ bỏ con đường cờ bạc mà tu chí làm ăn. Nhưng, cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, hắn lại chứng nào tật ấy. Ông bà khuyên răn, hắn nghe như gió thổi ngoài sông
        Cũng chính vì thua bạc, Thắng nhiều lần sang nhà bố mẹ để xin, nhưng ông bà nhất định không cho. Phần vì muốn con mình thay tính đổi nết, từ bỏ con đường tội lỗi, phần vì tiền bạc tích cóp được ông bà dồn cả vào làm nhà cho Thắng, nên bây giờ có muốn cho cũng chẳng còn. Thế nhưng, Thắng một mực nghĩ rằng, bố mẹ còn dư dả lắm, chỉ vì không xem mình là con nên mới từ chối cho tiền. Hắn sinh lòng thù hận. Và lòng thù hận ấy đã biến hắn thành ác quỷ, nửa đêm vác dao trèo tường vào nhà bố mẹ đẻ và hạ sát cả hai ông bà.
       Chẳng có ngôn từ nào có thể nói lên hết được sự đau đớn và bàng hoàng của những người thân trong gia đình tội nghiệp này. Hai chị gái Thắng ngồi thất thần góc hội trường xét xử, khuôn mặt thất thần. Có lẽ, họ vẫn còn không dám tin vào cái họa cốt nhục tương tàn lại rơi trúng gia đình nhà mình. Cứ như vết cắt của mảnh chai, cứa vào lòng sâu hoắm. Thật sự, họ không thể nào hình dung được, tại sao Thắng lại hành xử với bố mẹ ruột của mình theo cách tàn nhẫn đến thế. Vẫn biết, đời sống nhiều bất trắc, đôi khi là cả những bế tắc đến mức cùng cực. Nhưng, thay vì nghĩ đến tình nghĩa, đạo lý làm người, Thắng lại chọn cách khác…

Quả thật, ngồi nghe về hoàn cảnh trăm đắng ngàn cay và những đau thương của gia đình nhỏ bé này, người ta có cảm giác chua chát, không hiểu tại sao trên cõi đời vẫn còn có những cảnh đời trái ngang đến vậy. Những tưởng, cũng như bất cứ ai khi phải đối mặt và chịu trận với quá nhiều đắng cay cùng cực như thế cũng rất khó để vượt qua. Thế nhưng, trước tòa, chị Lưu Thị Nhã (SN 1982) bảo, dù sao Thắng nó cũng là em trai tôi, cùng khúc ruột buốt xót mà bố mẹ sinh ra, giờ nó lao đầu vào tội ác, tôi phải làm sao? Nó cũng vợ dại con thơ, xin tòa mở lượng khoan hồng…

Khi nghe những lời gan ruột từ người chị bao dung ấy, Thắng chỉ biết cúi đầu lặng lẽ. Còn vợ hắn, trong suốt phiên tòa, dường như không có gì ngoài nước mắt. Chị khóc cho chồng, khóc cho con và khóc cho những trái ngang của bản thân mình. Lấy chồng từ khi còn trẻ, giờ mới ngoài hai mươi tuổi, chị đã phải mang thân “vợ tử tù”.

Hình ảnh người vợ trẻ bìu ríu đứa con thơ, tất tả đuổi theo xe tù khi Thắng bị đưa đi khiến cho những người tham dự phiên tòa không khỏi cầm lòng. Với Thắng, có thể bản án tử hình đôi khi lại là sự giải thoát cho hắn khỏi những dày vò tội lỗi kéo dài. Thế nhưng, đằng sau thảm án này là chìm lút những nỗi đau…

Chúa nhật 26/01/2020
Mồng 2 Tết Âm lịch
Lời Chúa : Mt 15, 1-6

"Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào quyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: 'Ai nói với cha với mẹ rằng, những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa'. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa". (Mt 15, 4-6)

MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN - ÔNG BÀ CHA MẸ
Đạo hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo
Công cha như núi Thái Sơn,Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra: 
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
      Thế đó thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).
       Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.
       Đối với người Việt Nam chữ hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính sẵn có của con người. Người Việt Nam vốn lấy đạo đức làm căn ban cho cuộc sống, cho bản thân, cho gia đình và cho dòng tộc của mình. Con cái thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống, khi cha mẹ đã khuất, người con hiếu thảo là người con luôn tưởng nhớ tới cha mẹ bằng việc cầu nguyện, xin lễ cho những người thân đã mất. Người Việt thường có bàn thờ gia tiên để tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện bằng nhiều cách như khi cha mẹ còn sống, con cái kính trọng, nuôi dưỡng, vâng phục cha mẹ và khi các vị đã mất, con cái cháu chắt lại tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân trong những ngày giỗ, ngày kỵ, này tết nơi gia đình, nơi dòng tộc của mình. Người Việt Nam cũng không chỉ đóng khung trong gia tộc, gia đình mà họ còn đi xa hơn biết ơn cả đối với những người đã hy sinh để xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.
      Tấm lòng tốt, sự biết ơn là một nét độc đáo trong nền văn hóa và đạo đức của người Việt Nam. Chính vì thế, người Kitô hữu Việt Nam đã cảm nghiệm sâu xa giới luật thứ bốn của đạo công giáo và hài hòa với truyền thống tôn kính, tưởng nhớ, ghi ơn những người đã có công với đất nước, quê hương, dân tộc.Người Kitô hữu thể hiện chữ hiếu Kitô giáo bằng nhiều cách:khi cha mẹ còn sống, con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ đã khuất lòng hiếu thảo được thể hiện bằng việc cầu nguyện, dâng lễ, làm việc lành dành riêng cho cha mẹ đã qua đời. Việc chăm sóc mồ mả, nhớ ngày giỗ, ngày kỵ, hương nhang, nến đèn cho người chết cũng là một cách biểu tỏ lòng biết ơn đối với những kẻ đã khuất, đã chết. Xưa có quan niệm theo Chúa, theo đạo công giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà cha mẹ, quan niệm ấy đã lỗi thời vì xưa kia đã có ngộ nhận như thế. Nay, người công giáo là người nhận mọi người là anh em. Theo Chúa, theo đạo, người Kitô hữu như được dọn trước để mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Người Kitô hữu không chỉ đóng khung trong gia đình, gia tộc, họ hàng của mình mà họ còn có nhiều tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì đạo Chúa bao gồm tất cả mọi người không loại trừ bất cứ ai. Trong tình yêu của Chúa mọi người đều là anh em với nhau. Đức ái Kitô giáo không phân biệt, không loại trừ bất cứ người nào.
       Ngày mồng hai tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, đây là một việc làm thật đáng trân trọng và hữu ích vì trong những ngày tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc sum vầy, êm ấm để ăn tết, tưởng nhớ, dâng lễ và cầu nguyện cho những bậc tiền nhân là một nghĩa cử cao đẹp và là một nhắc nhớ cho mọi người hãy sống hiếu thảo, hãy thực hành giới luật thứ bốn của thập giới Kitô giáo. Sống đạo hiếu là nét son văn hóa và nét nổi bật đức tin của người Kitô hữu Việt Nam.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dậy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Người được chọn làm tông đồ

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 16,15-18

Nhiệt tình chưa hẳn là tốt. Nhiệt tình phải được hướng dẫn bởi ánh sáng Đức Kitô mới tốt thật.

Bà Reside là nhà truyền giáo đầu tiên cho những người da đỏ bộ lạc Kiowa ở Oklahoma. Bà được họ thương mến đặt tên là Aimdayco, nghĩa là “Hãy quay lại”. Khi giải thích lý do chọn đặt cho bà cái tên đó, vị tù trưởng nói: “Khi những người bộ lạc Kiowa chúng tôi thấy ai đang đi lạc hướng thì chúng tôi nói với họ “Aimdayco”. Họ nghe và quay lại đúng hướng. Bà này từ một nơi xa xôi đến với chúng tôi. Bà thấy chúng tôi đang đi lạc và bà đã chỉ cho chúng tôi con đường đúng, đó là con đường của Chúa Giêsu Kitô. Xin Ngài chúc lành cho bà Aimdayco”

Khi chọn ai, Chúa theo những tiêu chuẩn rất lạ: không cần học thức cao, không cần tài ba lỗi lạc, không cần khả năng khéo làm việc... Thánh Phaolô đã liệt kê 5 tiêu chuẩn: những cái yếu đuối, những cái ngu dại, những cái hèn mọn, những cái bị khinh thường và những cái hư không.

Thứ bẩy 25/01/2020 
lễ Thánh Phao lô Tông đồ trở lại
Lời Chúa: Mc 16,15-18

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mt 16,15)

Thánh Phao-lô có một qúa khứ bách hại Hội Thánh, nhưng sự kiện trên đường đi Đ-mát, đã biến đổi Ngài thành một người rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh ( Gl 1, 11 – 16 ). Điều này thức tỉnh chúng ta:
- Không thất vọng khi yếu đuối hải xa cách Chúa do tội lỗi của mình, nhưnh tin tưởng vào tình thương và ân sủng của Chúa, chúng ta chỗi dậy trở về với Chúa trong tinh thần sám hối ăn năn, để được Chúa biến đổi thành con cái Chúa, thành người tông đồ của Chúa như Phao-lô, như Augustinô, như Charles de Foucauld …
- Chúng ta không thất vọng khi thấy có ai đó chai lỳ trong tội, thậm chí chống lại hoặc bách hại Hội Thánh … nhưng chúng ta tin tưởng và trông cậy vào tình thương và ơn sủng của Chúa để chúng ta dùng đời sống và công tác tông đồ truyền giáo, khơi dậy cho họ niềm tin tưởng vào Chúa, và thành tâm đón nhận ơn trở lại.
- Trên đường đi Đa-mát, Phao-lô đã khám phá ra hai điều: trước hết, Đức Giê-su Na-da-rét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng Phục Sinh với các ki-tô hữu, là các anh em của Người, chỉ là một. Khám phá này là nguồn sáng chiếu soi cả cuộc đời thánh nhân. Mỗi ngày chúng ta dùng ánh sáng Lời Chúa soi chiếu cho cuộc sống và từng ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta.
- Khi trở lại, Phao-lô đã được A-na-ni-a hướng dẫn, và nhờ thời gian ba năm suy ngẫm, cầu nguyện, học hỏi, ông đã trở thành vị Tông Đồ của dân ngoại. Chúa gọi chúng ta, nhưng chúng ta phải nhờ những trung gian hướng dẫn và nhờ thời gian đào tạo, tu luyện, chúng ta mới có thể trở thành người thuộc về Thiên Chúa, dành riêng cho Chúa và làm công việc của Chúa.

Lạy Chúa, con muốn làm chứng cho Chúa bằng chính cách sống của con, bằng thái độ vui tươi cởi mở với bạn bè cũng như lòng quảng đại của con trước những nhu cầu của người nghèo.
Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý. Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác. Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình. Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con. Amen

Phó thác tương lai




Chiều hôm ấy, hai cậu bé rủ nhau vào rừng chơi. Thế rồi một trận mưa bất thần đổ xuống. Mưa dai dẳng suốt hai tiếng đồng hồ. Đến lúc tạnh thì trời đã tối. Hai cậu bé vừa lạnh lại vừa sợ. Nỗi sợ hãi càng gia tăng khi hai cậu bé không còn tìm thấy con đường dẫn về nhà. Nhưng rồi một ánh sáng bỗng xuất hiện từ xa. Hai cậu bé khấp khởi mừng thầm. Cả hai đều cố gắng vừa kêu vừa gọi. Thì ra người anh đang cầm chiếc đèn đi tim hai cậu bé. Và cuối cùng đã đưa hai cậu bé trở về an toàn.

Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay và chúng ta có thể xác quyết: Đức Kitô chính là người anh của chúng ta. Vâng lệnh Chúa Cha, Ngài đã xuống thế, thắp lên một ngọn lửa hầu dẫn đưa chúng ta trở về quê trời. Chính vì thế mà từ ngàn xưa, các tiên tri đã nói: Dân ngồi trong tối tăm đã nhìn thấy ánh sáng huy hoàng. Ánh sáng đã xuất hiện cho những người ngồi trong bóng sự chết.

Thứ bẩy 27/01/2020
Mùng một Tết Nguyên Đán
Lời Chúa :  Mt 6, 25-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con: Chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn, hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao? Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao? Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư? Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, coi chúng mọc lên thế nào? Chúng không làm lụng, không canh cửi. Nhưng Thầy nói với các con rằng: Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không phục sức được bằng một trong những đoá hoa đó. Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin. Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó. Tiên vàn các con hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con. Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai. Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy”.

Ngày đầu năm, người Công Giáo Việt Nam không chỉ cầu phúc xin Chúa chúc lành cho năm mới được an lành (cầu bình an cho năm mới), không chỉ phó thác tin tưởng nơi Chúa quan phòng để cuộc sống mình được bảo đảm ấm no, nhưng điều mà họ thực sự mong muốn là: làm sao mối tương quan Thiên – Nhân được hòa hợp hơn nữa; nói cách khác: điều họ ước nguyện và quyết tâm thực hiện trong năm mới là xây dựng cho bằng được mối tương quan hai chiều, và ra sức củng cố cho nó ngày càng thêm bền vững. Chúa Trời quan tâm và thuận với nhân hơn (điều này đã được bảo đảm qua mầu nhiệm Nhập Thể và Thập Giá của Đức Ki-tô), trong khi chính con người cũng phải ra sức quan tâm và thuận với Thiên hơn, qua việc ra sức đón lấy hồng ân cứu độ. Điều này được người Do Thái Cựu Ước diễn tả như thiết lập hay tái lập một giao ước hoàn hảo và bền chặt hơn với Đức Chúa Gia-vê, còn người Công Giáo Việt Nam chúng ta, trong văn hóa Thiên - Địa - Nhân, sẽ hướng hồn về một mối tương quan hòa hợp hơn nữa với Thiên Chúa là Cha, điều mà người Công Giáo chúng ta quen gọi là ‘thuận theo Thánh Ý Chúa’. Chúng ta muốn có thiên thời (hay đúng hơn ‘Thiên thời=thuận ý trời’) bằng bất cứ giá nào, trong bất cứ tình huống nào cho dầu thuận lợi hay nghịch cảnh, trong năm mới cũng như trong suốt cuộc sống chúng ta.
Mồng Một đầu năm, Hồn Việt Công Giáo cùng nhau dành thời giờ để tận hưởng sự giao thoa tuyệt diệu giữa Thiên Chúa nhân lành và loài người tội lỗi chúng ta! Và chúng ta vui hưởng năm mới như thời gian mở rộng cánh cửa đón nhận hồng ân cứu độ.

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Đức Giê-su làm người đã muốn luôn được thuận với Cha trong mọi sự và trong suốt cuộc đời. Ngay từ ngày đầu của năm mới này, chúng con mong muốn và quyết tâm đi vào mối tương quan Thiên - nhân hòa hợp với Cha. Về phần Cha thì đã quá rõ: qua Thập Giá Đức Ki-tô, chúng con biết rằng: mối tương quan Cha dành sẽ luôn là giao hòa bất chấp sự yếu hèn của con người. Về phần chúng con, chúng con quyết tâm xây dựng và củng cố sự hòa hợp với Cha nhân ái, cũng chính nhờ Thập Giá Đức Ki-tô, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của mình. Xin giúp chúng con trong năm mới này biết gia tăng sự hòa hợp với Cha qua việc đón nhận và đi sâu vào lòng từ ái xót thương của Cha ngày càng sâu sắc và trọn vẹn hơn. A-men
 
 

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

Lời Chúa gọi đi truyền giáo


Kết quả hình ảnh cho truyền giáo

infochretienne.com, 2019-04-26

Trong hoàn cảnh rối loạn này, Christian vạch một con đường cho mình. Đứa con trai nhỏ không điểm tựa, không có hình ảnh phụ tử, bằng mọi giá cậu bé mong muốn mình được chấp nhận. Nhưng cuộc sống đau khổ này đã nhanh chóng làm cho cậu bé có ý nghĩ tự tử trong đầu. Đứa bé thấy không có một lối thoát nào cho cuộc đời đau khổ của mình. Cuộc đời không có một ý nghĩa nào đối với em. Chỉ mới 8 tuổi, Christian nghĩ giải pháp tốt nhất là chấm dứt đời mình.
    “Một trong các kỷ niệm đầu tiên của tôi là lúc tôi 8 tuổi. Tôi nhớ tôi có viết một bức thư cho mẹ tôi, một bức thư tự tử, trong đó tôi viết, tôi không muốn tiếp tục sống nữa. Tôi nói, tôi cảm thấy mình không khỏe.”
     Một cảm nhận đè nặng trên cuộc đời của Christian là tức giận. Christian thiếu hình ảnh một người cha và anh giận tất cả mọi người.
    “Sự việc không có một người cha trên cuộc đời đã gây rất nhiều thiệt hại cho tôi.”
    Buồn bã, suy thoái tinh thần, anh tìm quên trong âm nhạc, Metal, Heavy Rock, Hip Hop, Rap, Death Metal. Dần dần các các căn cứ địa đủ loại đến chiếm một chỗ quan trọng trong cuộc đời của anh. Bây giờ là ăn chơi, ma túy, các cô. Ma túy càng ngày càng tàn phá và cuộc đời của anh trở nên vô nghĩa.
     Và rồi Christian ở tù

“Tôi không dừng lại được và rồi tôi ở tù… Đó là điều tốt nhất xảy đến cho tôi. Bị nhốt, Chúa đã hạ nhục tôi… Ngài để tôi trong bụng con cá… Ngài nhốt tôi lại. Không một lối thoát. Không thế chấp bảo lãnh… Vì tôi biết tôi cần Chúa, tôi cần Chúa đến cứu tôi ra khỏi tôi.”
     Và ở đó, từ sâu thẳm trong nhà tù của chính mình, lần đầu tiên anh thấy sự sống, Christian mở quyển Thánh Kinh ra và anh bắt đầu đọc.
     “Tôi đọc Thánh Kinh, bắt đầu là Tin Mừng Thánh Máthêu… Tôi biết đó là hy vọng duy nhất vì tôi đã thử tất cả các chuyện khác! Tôi kêu đến Chúa và tôi bắt đầu đọc và Đức Chúa Thánh Thần bắt đầu cho thấy các chuyện khác và cách nào những chuyện này là thật.”

Cuộc đời của Christian đã được biến đổi. Chấm dứt ma túy, nhà tù, cuộc sống rời rạc. Anh bắt đầu phục vụ Chúa, bắt đầu điều khiển các nhóm cầu nguyện, các buổi học Thánh Kinh. Ngay khi có dịp, anh rao giảng Phúc Âm. Anh cống hiến đời mình để giúp những người đang cần đến anh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thứ sáu 24/01/2020 - Tuần 2 TN
Lời Chúa : Mc 3,13-19

Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Chúa gọi và chọn chứ họ không tự cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông Đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…
Trong Giáo Hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội Thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay Giáo Lý Viên thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn so với mặt bằng chung, xứng với địa vị của mình.
      Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí Tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
      Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.

Lạy Chúa, giữa một thế giới mà trong đó con người chạy đua trong việc kiếm tiền và hưởng thụ này, xin cho con biết dành ra một khoảng thời gian cho riêng chúa. Trong một thế giới đa tạp và đầy nhiễu nhương, không biết đâu là phương hướng, đâu là đường đi lối về, con người chạy đi tìm lẽ khôn ngoan của đời, xin cho con biết ở lại bên Chúa, ngồi dưới chân Chúa. Để như người môn đệ trung thành, con học nơi Chúa bài học khôn ngoan về mục đích cuộc đời và lãnh nhận nơi Chúa sức mạnh thiêng liêng giúp con tỏa sáng và đẩy lui bóng tối của nền văn hóa sự chết đang vây quanh. Nguyện cho nước Chúa được hiển trị trong thế giới này. Amen