Có lẽ, chả có ngôn từ nào để diễn tả về tội ác “trời không dung, đất không tha” của Lưu Văn Thắng, kẻ đã sát hại chính bố mẹ đẻ của mình chỉ vì không xin được tiền chơi cờ bạc.
Trong phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 12/2012, Lưu Văn Thắng (SN 1986, trú tại số 5, tổ 25, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải đón nhận hình phạt cao nhất dành cho tội ác của mình, hình phạt tử hình. Thế nhưng, rất nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy vẫn day dứt với câu hỏi không hồi đáp, một khi huyết thống nhạt nhòa, thì người ta bấu víu vào đâu để đòi lại niềm tin?
Một cụ già đầu tóc bạc phơ, chắc là hàng xóm của ông Lưu Văn Dơi bà Nguyễn Thị Gái (cùng sinh năm 1962), cha mẹ ruột và cũng là nạn nhân của Thắng, đã bảo rằng: Nếu trên đời này còn có nơi gọi là âm ty địa ngục, thì loại “ma quỷ như thằng Thắng” cũng không đáng được đặt chân. Nó phải đem vứt vào vạc dầu may ra cái linh hồn tội lỗi ấy mới được gột rửa phần nào.
Suốt cả phiên xét xử, Thắng không dám ngẩng đầu lên lấy một lần. Khuôn mặt hắn luôn cúi gằm chịu trận. Có lẽ, hắn sợ phải đối diện với hàng trăm cặp mắt phẫn uất của người thân, gia đình và hàng xóm láng giềng đang đổ dồn về phía vành móng ngựa. Ai cũng muốn nhìn tận mặt tên sát thủ máu lạnh xem “mồm ngang mũi dọc nó thế nào” mà gây nên tội ác “tày trời” như thế.
Trước tòa, Thắng còn “hờn trách”: “Cũng chỉ vì bị cáo ham mê cờ bạc nên mới mang nợ vào thân. Người ta đòi rát quá, có kẻ còn dọa “nếu không trả thì xin tí tiết”. Không còn cách nào khác nên bị cáo mới quay về xin tiền bố mẹ. Mà nhiều nhặn gì đâu, có mỗi… 20 triệu đồng. Không cho thì thôi, ai lại đi mắng chửi như thế! Nghĩ bố mẹ không còn thương mình nữa, nên bị cáo mới quyết định hành động như vậy…”.
Nghe những “lý giải” trơn tuồn tuột ấy, người ta không khỏi lạnh người. Có cảm giác, ẩn đằng sau hình hài nhỏ thó, khuôn mặt gầy nhẳng của hắn là một tâm hồn quỷ dữ. Bởi, kể cả những kẻ tâm thần có lên cơn điên loạn, hóa dại mất khôn đến dường nào thì cũng khó đủ dã tâm để làm cái việc mất tính người như vậy. Đằng này, sau khi nghe bố mẹ mắng nhiếc vài câu, Thắng còn đủ tỉnh táo ngồi ủ mưu tính kế rồi nửa đêm trèo tường, cậy cửa vào nhà hạ sát cả hai ông bà thì nó cũng là “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”.
Mà nào bố mẹ hắn có hắt hủi hay để hắn thua thiệt gì so với bạn bè cho cam. Ông bà cũng nuôi nấng, chăm chút hắn từng ly từng tý, lớn lên cũng dựng vợ gả chồng, cũng nhà cao cửa rộng. Ấy vậy mà đầu óc hắn toàn nghĩ những điều xằng bậy. Hắn đâu biết rằng, dù nhà có 3 chị em, trên hắn có hai chị gái, nhưng do hắn là con út, lại là “độc đinh, mũ gậy” nên còn có phần được cưng chiều.
Từ thuở “thò lò mũi xanh”, Thắng đã ham mê game online và cờ bạc. Mấy thứ đó, cũng chẳng cần ai lôi kéo, ép uổng gì, hắn “cam tâm tình nguyện” chui vào. Mỗi khi hết tiền, không vay mượn được ai, hắn lại về nhà “xoáy” ông Dơi, bà Gái. Hoặc cùng lắm hắn theo đám bạn nhầng nhầng tóc xanh tóc đỏ đi chôm chỉa, hoặc… mượn tạm hàng xóm dăm ba thứ đồ lặt vặt bán lấy tiền. Cũng vì một lần “mượn đồ hàng xóm không chịu hỏi” ấy, năm 2005, hắn đã từng bị TAND quận Hoàng Mai tuyên phạt 18 tháng tù. Khi ấy, hắn mới 19 tuổi.
Ra tù, thấy hắn có người yêu, bố mẹ hắn cũng mừng. Cưới vợ cho hắn xong, ông bà cóp nhặt, lần hồi mãi rồi cũng dựng cho vợ chồng hắn ngôi nhà 3 tầng trên phần đất của gia đình. Tưởng rằng nhà cao cửa rộng, vợ con đề huề sẽ giúp hắn từ bỏ con đường cờ bạc mà tu chí làm ăn. Nhưng, cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng, hắn lại chứng nào tật ấy. Ông bà khuyên răn, hắn nghe như gió thổi ngoài sông
Cũng chính vì thua bạc, Thắng nhiều lần sang nhà bố mẹ để xin, nhưng ông bà nhất định không cho. Phần vì muốn con mình thay tính đổi nết, từ bỏ con đường tội lỗi, phần vì tiền bạc tích cóp được ông bà dồn cả vào làm nhà cho Thắng, nên bây giờ có muốn cho cũng chẳng còn. Thế nhưng, Thắng một mực nghĩ rằng, bố mẹ còn dư dả lắm, chỉ vì không xem mình là con nên mới từ chối cho tiền. Hắn sinh lòng thù hận. Và lòng thù hận ấy đã biến hắn thành ác quỷ, nửa đêm vác dao trèo tường vào nhà bố mẹ đẻ và hạ sát cả hai ông bà.
Chẳng có ngôn từ nào có thể nói lên hết được sự đau đớn và bàng hoàng của những người thân trong gia đình tội nghiệp này. Hai chị gái Thắng ngồi thất thần góc hội trường xét xử, khuôn mặt thất thần. Có lẽ, họ vẫn còn không dám tin vào cái họa cốt nhục tương tàn lại rơi trúng gia đình nhà mình. Cứ như vết cắt của mảnh chai, cứa vào lòng sâu hoắm. Thật sự, họ không thể nào hình dung được, tại sao Thắng lại hành xử với bố mẹ ruột của mình theo cách tàn nhẫn đến thế. Vẫn biết, đời sống nhiều bất trắc, đôi khi là cả những bế tắc đến mức cùng cực. Nhưng, thay vì nghĩ đến tình nghĩa, đạo lý làm người, Thắng lại chọn cách khác…
Quả thật, ngồi nghe về hoàn cảnh trăm đắng ngàn cay và những đau thương của gia đình nhỏ bé này, người ta có cảm giác chua chát, không hiểu tại sao trên cõi đời vẫn còn có những cảnh đời trái ngang đến vậy. Những tưởng, cũng như bất cứ ai khi phải đối mặt và chịu trận với quá nhiều đắng cay cùng cực như thế cũng rất khó để vượt qua. Thế nhưng, trước tòa, chị Lưu Thị Nhã (SN 1982) bảo, dù sao Thắng nó cũng là em trai tôi, cùng khúc ruột buốt xót mà bố mẹ sinh ra, giờ nó lao đầu vào tội ác, tôi phải làm sao? Nó cũng vợ dại con thơ, xin tòa mở lượng khoan hồng…
Khi nghe những lời gan ruột từ người chị bao dung ấy, Thắng chỉ biết cúi đầu lặng lẽ. Còn vợ hắn, trong suốt phiên tòa, dường như không có gì ngoài nước mắt. Chị khóc cho chồng, khóc cho con và khóc cho những trái ngang của bản thân mình. Lấy chồng từ khi còn trẻ, giờ mới ngoài hai mươi tuổi, chị đã phải mang thân “vợ tử tù”.
Hình ảnh người vợ trẻ bìu ríu đứa con thơ, tất tả đuổi theo xe tù khi Thắng bị đưa đi khiến cho những người tham dự phiên tòa không khỏi cầm lòng. Với Thắng, có thể bản án tử hình đôi khi lại là sự giải thoát cho hắn khỏi những dày vò tội lỗi kéo dài. Thế nhưng, đằng sau thảm án này là chìm lút những nỗi đau…
Chúa nhật 26/01/2020
Mồng 2 Tết Âm lịch
Lời Chúa : Mt 15, 1-6
"Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào quyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: 'Ai nói với cha với mẹ rằng, những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa'. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa". (Mt 15, 4-6)
MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN - ÔNG BÀ CHA MẸ
Đạo hiếu dưới cái nhìn Kitô giáo
Công cha như núi Thái Sơn,Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Thế đó thật nhẹ nhàng, nhưng từng lời ru của người mẹ Việt Nam đung đưa bên chiếc nôi của đứa con nhỏ, ngày qua ngày đã dần đi sâu vào trái tim, làm nên dòng máu thắm đỏ của những người con, tạo nên trong tâm thức của từng người dân đất Việt một tâm tình thảo hiếu, biết ơn sâu sắc đối với các bậc sinh thành. Các cụ ngày xưa cho là hiếu đứng đầu trăm nết: “Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra trăm nết đều nên”. Do đó, đối với cái nhìn tự nhiên của mọi người, bất hiếu là một trong những tội lớn nhất và cũng bị mọi người kết án nhiều nhất. Bộ luật Hồng Đức ban hành thời Lê Thánh Tông cũng ghép tội bất hiếu vào trọng tội. Không chỉ con trai, con dâu không thờ cha mẹ chồng cũng bị coi là phạm tội “thất xuất” (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, trang 326).
Chính vì thế, vào những ngày Tết, giỗ chạp… trong các gia đình Việt Nam chúng ta, con cái dù có đi làm ăn đâu xa, thì ba ngày Tết cũng cố gắng về nhà để tết cha, tết mẹ. Nếu cha mẹ không còn, thì cũng về để thắp nén hương cầu nguyện cho ông bà cha mẹ. Cùng chung cảm thức đó của dân tộc, Giáo Hội Việt Nam đã dành ngày Mồng Hai Tết này để kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ. Rồi từ đạo hiếu với cha mẹ, Giáo Hội muốn từng người chúng ta tỏ lòng hiếu kính với người Cha cao cả và tuyệt đối hơn, đó là Thiên Chúa.
Đối với người Việt Nam chữ hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính sẵn có của con người. Người Việt Nam vốn lấy đạo đức làm căn ban cho cuộc sống, cho bản thân, cho gia đình và cho dòng tộc của mình. Con cái thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống, khi cha mẹ đã khuất, người con hiếu thảo là người con luôn tưởng nhớ tới cha mẹ bằng việc cầu nguyện, xin lễ cho những người thân đã mất. Người Việt thường có bàn thờ gia tiên để tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện bằng nhiều cách như khi cha mẹ còn sống, con cái kính trọng, nuôi dưỡng, vâng phục cha mẹ và khi các vị đã mất, con cái cháu chắt lại tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân trong những ngày giỗ, ngày kỵ, này tết nơi gia đình, nơi dòng tộc của mình. Người Việt Nam cũng không chỉ đóng khung trong gia tộc, gia đình mà họ còn đi xa hơn biết ơn cả đối với những người đã hy sinh để xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.
Tấm lòng tốt, sự biết ơn là một nét độc đáo trong nền văn hóa và đạo đức của người Việt Nam. Chính vì thế, người Kitô hữu Việt Nam đã cảm nghiệm sâu xa giới luật thứ bốn của đạo công giáo và hài hòa với truyền thống tôn kính, tưởng nhớ, ghi ơn những người đã có công với đất nước, quê hương, dân tộc.Người Kitô hữu thể hiện chữ hiếu Kitô giáo bằng nhiều cách:khi cha mẹ còn sống, con cái chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, khi cha mẹ đã khuất lòng hiếu thảo được thể hiện bằng việc cầu nguyện, dâng lễ, làm việc lành dành riêng cho cha mẹ đã qua đời. Việc chăm sóc mồ mả, nhớ ngày giỗ, ngày kỵ, hương nhang, nến đèn cho người chết cũng là một cách biểu tỏ lòng biết ơn đối với những kẻ đã khuất, đã chết. Xưa có quan niệm theo Chúa, theo đạo công giáo là bỏ tổ tiên, bỏ ông bà cha mẹ, quan niệm ấy đã lỗi thời vì xưa kia đã có ngộ nhận như thế. Nay, người công giáo là người nhận mọi người là anh em. Theo Chúa, theo đạo, người Kitô hữu như được dọn trước để mở rộng vòng tay đón nhận mọi người. Người Kitô hữu không chỉ đóng khung trong gia đình, gia tộc, họ hàng của mình mà họ còn có nhiều tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì đạo Chúa bao gồm tất cả mọi người không loại trừ bất cứ ai. Trong tình yêu của Chúa mọi người đều là anh em với nhau. Đức ái Kitô giáo không phân biệt, không loại trừ bất cứ người nào.
Ngày mồng hai tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, đây là một việc làm thật đáng trân trọng và hữu ích vì trong những ngày tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc sum vầy, êm ấm để ăn tết, tưởng nhớ, dâng lễ và cầu nguyện cho những bậc tiền nhân là một nghĩa cử cao đẹp và là một nhắc nhớ cho mọi người hãy sống hiếu thảo, hãy thực hành giới luật thứ bốn của thập giới Kitô giáo. Sống đạo hiếu là nét son văn hóa và nét nổi bật đức tin của người Kitô hữu Việt Nam.
Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dậy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay, nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ.Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét