Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Quyền năng chữa lành


Kết quả hình ảnh cho Suy niệm tin mừng Lc 5,12-19



Trong những năm đầu của thập niên 1910, bố tôi là tài xế riêng cho một ông chủ giàu có và đã chứng kiến ông ấy bí mật giúp đỡ rất nhiều người đang gặp khó khăn dù biết rằng họ sẽ chẳng bao giờ có thể đền đáp được.

Câu chuyện khắc cốt ghi tâm về nhà hảo tâm ẩn mặt
       Trong số những câu chuyện bố kể cho tôi nghe, có một việc mà tôi vẫn nhớ mãi. Ngày hôm đó, bố tôi lái xe chở ông chủ đến một thành phố khác để dự buổi họp kinh doanh. Ra tới vùng ngoại ô, họ dừng lại để ăn bữa trưa là bánh xăng-uých.
      Trong lúc họ đang ăn thì có vài cậu bé chơi lăn vòng ngang qua chỗ “chiếc xe hơi rẻ tiền” của họ. Trong số đó có một đứa bé chân đi khập khiễng. Nhìn kỹ lại, ông chủ của bố tôi mới thấy đứa bé ấy bị tật bẩm sinh ở chân. Ông bước ra khỏi xe và tiến tới chỗ cậu bé.
     “Chân cháu như thế có gặp khó khăn gì không?”, ông hỏi cậu bé. “Nó làm cháu chạy chậm chút xíu thôi mà”, cậu bé đáp. “Với lại cháu phải làm cho giày nhỏ bớt lại để cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng cháu quen rồi. Sao ông lại hỏi như thế ạ?”
     “À, ông có thể giúp cháu chữa lành cái chân ấy đấy. Cháu có thích không?”
Cậu đáp: “Chắc chắn là thích rồi ạ”. Cậu bé tỏ ra vui sướng nhưng vẫn còn chút bối rối trước câu hỏi ấy. Vị thương gia ghi lại tên cậu bé rồi quay trở về xe. Trong lúc ấy, bọn trẻ nhặt mấy cái vòng lên rồi tiếp tục xuống phố.
     Khi quay vào xe, ông chủ của bố tôi bảo: “Anh Woody này, đứa bé đi khập khiễng ấy… tên là Jimmy, tám tuổi. Anh tìm xem nhà nó ở đâu rồi cho tôi biết tên và địa chỉ của bố mẹ nó nhé”.
      Nói rồi ông đưa cho bố tôi tờ giấy có ghi tên cậu bé. “Chiều nay anh đến thăm bố mẹ cậu bé đi và hãy cố xin phép họ đồng ý cho Jimmy được giải phẫu chân. Còn giấy tờ bệnh viện ta sẽ làm sau. Tôi sẽ lo hết mọi chi phí phẫu thuật.”
     Ăn bánh xăng-uých xong, bố tôi đưa ông chủ tới chỗ hẹn. Bố tôi vào hiệu thuốc gần đó và ông chẳng mất nhiều thời gian để biết được địa chỉ nhà của Jimmy. Hầu như ai ở đó cũng biết cậu bé bị khập khiễng một chân.
      Chỗ ở chật hẹp mà Jimmy và gia đình cậu bé gọi là nhà đó cần phải được sơn phết và sửa chữa lại. Nhìn quanh, bố tôi thấy mấy chiếc áo sơ mi rách tả tơi và vài cái áo đầm vá loang lổ đang phơi trên dây quần áo cột tạm bợ vào vách nhà.
      Một chiếc vỏ xe mà người ta đã bỏ đi được treo vào một đoạn dây thừng cũ kỹ vắt qua cành sồi để làm xích đu.
Một phụ nữ ngoài ba mươi tuổi đáp lời khi nghe tiếng bố tôi gõ vào cánh cửa hoen gỉ. Trông chị có vẻ mệt mỏi, và những nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt cho thấy cuộc sống cơ cực của chị.
“Chào chị”, bố tôi chào chị ấy. “Chị có phải là mẹ cháu Jimmy không?”
Chị khẽ nhíu mày trước khi trả lời bố tôi. “Vâng, nó lại gặp chuyện gì nữa sao?” Ánh mắt chị nhìn vội chiếc cổ áo còn cứng hồ và bộ đồ vét được ủi phẳng phiu của bố tôi.
“Không phải. Tôi đến đây là thay mặt cho một người đàn ông giàu có với ý định giúp cháu chữa lành chân để cháu có thể chơi đùa bình thường như các bạn của cháu.”
“Thế điều kiện là gì, thưa ông? Chứ ở đời này chẳng có gì cho không cả.”
“Chẳng phải chuyện đùa đâu chị. Nếu chị để tôi giải thích với chị và cả với anh nhà nữa, nếu có anh ấy ở đây, tôi nghĩ chị sẽ hiểu thôi. Tôi biết việc này khá bất ngờ nên tôi cũng không trách được những nghi ngờ của chị.” Chị ấy lại nhìn bố tôi lần nữa, và mời ông vào nhà dù vẫn chưa hết do dự.
“Anh Henry”, chị quay xuống bếp gọi to, “ra nói chuyện với ông này nè. Người ta nói muốn giúp thằng Jimmy chữa chân”. Suốt gần một tiếng đồng hồ, bố tôi đã phải giải thích kế hoạch chữa trị và trả lời mọi câu hỏi của hai vợ chồng ấy.
Rồi ông kết thúc buổi nói chuyện của mình: “Nếu anh chị bằng lòng cho Jimmy tiến hành ca phẫu thuật này thì tôi sẽ gởi đến một số giấy tờ để anh chị ký tên vào. Xin nói lại là chúng tôi sẽ chịu mọi chi phí”.
Thoáng chút bối rối, bố mẹ Jimmy đưa mắt nhìn nhau. Họ vẫn không tin lắm về tất cả những chuyện này.
“Đây là danh thiếp của tôi. Tôi sẽ viết thư cho anh chị khi gởi các giấy tờ đến. Trong thư tôi sẽ nói lại những việc chúng ta vừa bàn với nhau. Nếu cần hỏi thêm gì nữa, anh chị cứ gọi điện hay viết thư cho tôi theo địa chỉ ở đây.”
Dường như cam kết này làm họ an tâm hơn. Rồi bố tôi đứng dậy ra về. Ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Sau đó, ông chủ của bố liên hệ với ngài thị trưởng và nhờ ông ấy cho người tới nhà bé Jimmy để trấn an bố mẹ cậu rằng đấy là một lời đề nghị giúp đỡ hoàn toàn hợp pháp. Dĩ nhiên, danh tánh của nhà hảo tâm không hề được đề cập đến.
Chẳng bao lâu sau, khi mọi giấy tờ đã được ký nhận, bố tôi đưa Jimmy tới bệnh viện tốt nhất ở một tiểu bang khác để tiến hành ca phẫu thuật chân đầu tiên trong tổng số năm ca phẫu thuật chữa trị cho cậu bé. Tất cả các ca giải phẫu đều thành công tốt đẹp. Jimmy được các cô y tá khoa chỉnh hình trong bệnh viện rất yêu mến. Khi Jimmy xuất viện, tất cả đều khóc và ôm hôn cậu bé khi chia tay cậu lần cuối. Các cô còn tặng cậu bé một món quà cũng là hành động cuối cùng nói lên sự quan tâm của họ dành cho cậu. Đó là một đôi giày mới, được thiết kế đặc biệt dành cho bàn chân “mới” của cậu. Jimmy và bố tôi đã trở thành những người bạn thân thiết qua những lần cùng ra vào bệnh viện.
Cái kết ngọt ngào, tấm chân tình của nhà hảo tâm đáng kính Trong lần cuối cùng trở về nhà, hai bác cháu đã ca hát, trò chuyện về những điều Jimmy có thể làm được với bàn chân đã được chỉnh hình bình thường, và khi về gần đến nhà, hai bác cháu đã lặng im bên nhau hồi lâu.
        Khi về đến nhà và bước ra khỏi xe, một nụ cười rạng rỡ nở trên gương mặt của Jimmy. Bố mẹ cùng hai em trai của cậu bé đang túm tụm chờ đón trước hiên nhà rách nát.
“Cứ đứng đó”, Jimmy la lên. Cả nhà tròn mắt kinh ngạc khi thấy Jimmy đi về phía mình. Dáng đi khập khiễng của cậu bé ngày trước đã biến mất. Những vòng tay ôm hôn và cả những tiếng cười vây quanh cậu bé vừa trở về nhà với cái chân lành lặn.
Bố mẹ cậu bé cứ vừa lắc đầu vừa cười sung sướng khi nhìn con mình. Họ vẫn chưa thể nào tin rằng người đàn ông mà họ chưa bao giờ biết mặt lại trả một số tiền lớn như thế để chỉnh hình chân cho một đứa bé ông không hề quen biết. Khi nghe bố tôi kể lại cảnh đoàn viên ở nhà cậu bé, nhà hảo tâm giàu có ấy đã tháo kính ra để lau đi những giọt nước mắt của mình. 
Ông nói với bố tôi: “Giờ anh làm thêm chuyện này nữa nhé. Gần tới lễ Giáng sinh, anh hãy liên hệ với một hiệu giày thật tốt. Nói với chủ cửa hiệu là hãy mời cả nhà Jimmy đến để họ chọn một đôi giày mới vừa vặn cho mình. Tôi sẽ trả tiền hết.  Nhưng hãy nói cho họ biết là tôi chỉ làm điều này một lần thôi đấy nhé. Tôi không muốn họ phụ thuộc vào tôi”.
Về sau, cậu bé Jimmy ấy đã trở thành một nhà kinh doanh thành đạt. Theo tôi biết thì Jimmy chẳng bao giờ biết được ai là người đã chi trả cho ca phẫu thuật chân của mình.
Còn ân nhân của cậu, ông Henry Ford, vẫn luôn nói rằng ông sẽ vui hơn rất nhiều khi được giúp đỡ những người mà họ không hề biết ông là ai.

Thứ sáu 10/01/2020 - Sau lễ Hiển linh
Lời Chúa : Lc 5,12-16

Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.1Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”
Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện.

Trong khi luật của người Do Thái quy định chỉ cần chạm đến người phung hủi thì chính mình cũng nhiễm uế và phải đi dâng lễ đền tội, lại nữa mọi người sợ sệt xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Nhưng Chúa Giêsu thì không những không xa lánh, không sợ lây, không lo bị nhiễm… nhưng tình thương Người cao hơn tất cả, Người đã cúi xuống chạm đến người phong hủi và chữa lành.
       Đang trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta mừng Chúa Giêsu Nhập Thể – từ cõi trời cao xuống nơi cơ hàn. Thì đây, tiếp theo Mầu Nhiệm Nhập Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thế của Người – cúi xuống để chạm đến tận cùng nỗi thống khổ của con người và ra tay chữa lành họ.
      Tình yêu thương có sức vượt qua mọi luật lệ, mọi ngăn cách, mọi sợ hãi để đến với tha nhân. Chúa Giêsu đã đi bước trước nêu gương cho chúng ta về sự cao cả của tình yêu thương này.
        Đến lượt Kitô hữu chúng ta hôm nay, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta là con Chúa liệu chúng ta có học được sự yêu thương này để đến với những người đau khổ không, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ?

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến trên mỗi tâm hồn chúng con, để xua trừ tà thần ô uế là những đam mê thú tính ra khỏi chúng con. Và khi đã được Chúa chữa lành mọi thương tích tâm hồn, xin cho chúng con cũng biết bước theo Chúa, ca ngợi và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho tha nhân. Amen

Không có nhận xét nào: