Thời đại chúng ta đang sống, dù y khoa đã tiến triển vượt bậc, nhưng bệnh tật vẫn còn đó. Biết bao căn bệnh nan y vẫn tiếp tục gây đau khổ cho nhiều người và làm nhiều gia đình khốn đốn, điêu linh. Các nhà thương vẫn đầy ắp bệnh nhân, và còn biết bao người nghèo, đau yếu nhưng không có điều kiện để được chăm sóc, thuốc men. Yếu đau là kinh nghiệm mà hầu như mỗi người, mỗi gia đình chúng ta đều đã trải qua.
Yếu đau bệnh tật không chỉ làm con người đau đớn trong thân xác mà còn làm con người đau khổ rất nhiều trong tâm hồn. Người bệnh đau khổ không những vì không thể tiếp tục sinh hoạt và làm việc như mọi người, sống như mọi người, mà đặc biệt vì họ bị mất đi sự tự lập, phải lệ thuộc vào người khác. Cảm giác mình trở nên gánh nặng cho người khác làm thương tổn lòng tự trọng của họ, cộng thêm với những đau đớn trong thân xác, tất cả trở nên thử thách nặng nề, một Thánh giá rất lớn. Đôi khi như vượt quá sức con người. Trên bình diện đức tin, yếu đau bệnh tật có thể làm con người khép lòng mình lại, nghi ngờ tình thương của Chúa và mất đi niềm hy vọng. Yêu thương chăm sóc người đau yếu quả thực là một trong những cách thức cụ thể để sống tinh thần Tin Mừng : đem lại lòng tin, lòng mến, lòng cậy trông cho họ. Tin Mừng Thánh Matthêu mô tả quang cảnh ngày chung thẩm, trong đó những người có lòng yêu thương chăm sóc người đau yếu được Chúa Giêsu chúc phúc : “Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta rách rưới các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm…”
Theo truyền thống tốt đẹp trong Giáo Hội, mỗi khi gia đình có người đau yếu, nhất là đau lâu ốm dài, chúng ta luôn mời cha xứ đến trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Mọi người trong gia đình có dịp tụ tập lại quanh Thánh Thể để hiệp thông và cầu nguyện cho bệnh nhân. Đó quả thật là điều hết sức ý nghĩa, vì xưa kia Chúa Giêsu đã rảo quanh khắp xóm làng, đón nhận mọi bệnh nhân và chữa lành cho họ. Giờ đây, qua Bí tích Thánh Thể, Ngài tiếp tục muốn lui tới với mọi người ốm đau bệnh tật, tiếp tục tỏ lòng thương xót, và thuyên chữa bệnh tật cho họ.
Chúng ta tỏ lòng bác ái, hiệp thông với các bệnh nhân khi tạo điều kiện thuận lợi để Chúa Giêsu Thánh Thể đến với họ. Và đồng thời, một cách thiêng liêng, chúng ta cũng mang các bệnh nhân đến với Chúa Giêsu Thánh Thể qua sự viếng thăm, hiện diện ân cần, và nhất là trong cử hành thánh lễ cũng như các giờ chầu Thánh Thể. Hình ảnh những người bạn khiêng người bại liệt tới với Chúa Giêsu, giỡ cả mái nhà để người bại liệt được ở gần sát Chúa Giêsu và được thứ tha, chữa lành (Mc 2,3-12) là một hình ảnh thật đẹp và cảm động. Mỗi lần bánh rượu được dâng lên cho Chúa Cha trên bàn thờ, chúng ta, với tấm lòng bác ái, cùng dâng lên Chúa các bệnh nhân với muôn vàn hình thức bệnh tật, đau khổ khác nhau của họ. Chúng ta có cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, để đau khổ tột cùng của hàng triệu bệnh nhân trên thế giới được hiệp thông vào hy tế của Chúa Giêsu mà dâng lên Thiên Chúa Cha, để họ cảm nghiệm được sự chia sẻ sâu xa của chính Thiên Chúa và của tất cả cộng đồng tín hữu, và biết đâu họ có thể khám phá ra rằng, đau khổ của họ là có ý nghĩa chứ không phải vô nghĩa, và Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn là Vị Mục Tử Nhân Lành chăm sóc họ, sẽ làm cho họ được sống và sống dồi dào.
Thứ năm 23/01/2020 - Tuần 2 TN
Lời Chúa: Mc 3, 7-12
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.
Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu vào hội đường và chữa lành người bại tay trong ngày Sabat. Việc Chúa chữa lành đã bị những người Pharisêu cho là vi phạm lề luật. Chúa Giêsu biết rõ những quy định của luật và càng nhận thức rõ việc Ngài làm. Ngài cũng biết những người Pharisêu đang rình mò để kết án Ngài nhưng Ngài vẫn chữa lành người bại tay. Đối với Chúa, ngày Sabat là ngày của tình yêu, là ngày của hiệp thông huynh đệ, là ngày được làm ra cho con người. Chúa Giêsu chất vấn những người Pharisêu: “Ngày Sabat được làm điều lành hay điều dữ?” để họ suy nghĩ về mục đích chính yếu của ngày Sabat.
Điều Chúa muốn dân Do Thái thời xưa, Ngài cũng muốn nơi mỗi người chúng con hôm nay. Xin cho chúng con mạnh dạn đến bên Chúa với tấm lòng đơn sơ chân thật. Đến với Chúa, chúng con không chỉ xin Ngài ban cho con những nhu cầu vật chất, mà quan trọng hơn là xin Ngài nâng đỡ đức tin yếu đuối của chúng con.
Lạy Chúa Giê su ! Mỗi ngày sống của chúng con là một ngày thờ phượng Chúa trong tin yêu và gặp gỡ anh em trong sự chân thành. Xin Chúa giúp chúng con biết sống trọn vẹn cho Chúa và anh em để tình “mến Chúa yêu người” trong chúng con ngày càng sâu đậm hơn. Xin Chúa cũng giúp chúng con biết góp nhặt những mảnh vụn trong đời sống thường ngày của mọi biến cố vui buồn, thành công và thất bại để dâng lên Chúa, ngõ hầu chúng con cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng con. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét