Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018

Chết để được sống


Kết quả hình ảnh cho Ngôi mộ trống




CÂU CHUYỆN: CON CÁNH QUÝT.

Vào một buổi trưa hè oi ả, nhà đạo diễn lừng danh tại Hô-li-út (hollywood) tên là Sơ-siu đơ Mi-ơ (Cecil B. De Mille) đi hóng gió trên chiếc du thuyền ven bờ hồ thuộc tiểu bang Men (Maine). Đang chăm chú đọc sách, bỗng ông ngó xuống mặt hồ thì thấy một đàn cánh quýt nước đang tăng đùa giỡn với nhau trên mặt nước. Rồi một chú cánh quýt đã bỏ đàn leo lên mạn thuyền cạnh ghế ông ngồi, và nằm im như chết. Đơ Mi-ơ chăm chú nhìn con cánh quýt chừng một phút, rồi ông tiếp tục đọc sách. Ba giờ sau, Đơ Mi-ơ lại nhìn con cánh quýt kia và rất ngạc nhiên khi thấy nó như đã bị chết khô. Rồi bỗng chiếc mai của nó bị nứt ra làm đôi. Ông nhìn thấy có cái gì đó đùn lên từ kẽ nứt ấy. Trước tiên là chiếc đầu ươn ướt, rồi đến thân mình và mấy chiếc cánh cũng từ từ lộ ra. Cuối cùng một chú chuồn chuồn thật đẹp xuất hiện. Đơ Mi-ơ tiếp tục quan sát con chuồn chuồn. Ông thấy nó cử động đôi cánh, rồi từ từ bay lên. Nó bay lượn trên mặt nước, nơi có những con cánh quýt bạn nó đang nô đùa trên mặt nước, nhưng xem ra chúng không nhận ra con chuồn chuồn kia. Đơ Mi-ơ đưa ngón tay ra sờ nhẹ vào chiếc vỏ ngoài của con cánh quýt. Thì nó chỉ còn là cái xác nhẹ hều và ọp ẹp rỗng không như một ngôi mộ trống rỗng.

Có chết đi, có hủy mình ra không, có mục nát hạt giống mới nảy mầm, mới phát triền và lớn lên đầy sức sống. Chúa Giê su đã chết để cho những kẻ tin vào Ngài được sống, được sống đời đời. Xin mời Bạn cùng đọc Lời Chúa sau đây : 

Thánh Lễ tối thứ bảy - Vọng Phục Sinh
Lời Chúa : Mc 16,1-8.

(1) Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Maria mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. (2) Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ. (3) Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? (4) Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. (5) Vào trong mộ, các bà thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng ; các bà hoảng sợ. (6) Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-ret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã chỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!”. (7) Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng: Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông. (8) Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ quá.

Suy niệm :
Ai trong chúng ta cũng thấy có sự giống nhau giữa câu chuyện lột xác của con cánh quýt, với sự Phục Sinh của Đức Giê-su: Như con cánh quýt đã bị chết khô trên mạn thuyền, thì Đức Giê-su cũng bị chết treo trên cây thập giá. Như con cánh quýt được biến hóa trở thành con chuồn chuồn nước trong thời gian 3 giờ đồng hồ, thì Đức Giê-su cũng được biến đổi từ tình trạng bị chết đến tình trạng sống lại chưa đủ 3 ngày sau đó. Như con cánh quýt đã hóa thành con chuồn chuồn nước, khiến các con cánh quýt bạn nó không nhận ra, thì Đức Giê-su cũng trở nên một người mới, đến nỗi nhiều môn đệ thân tín cũng không nhận ra Người sau khi sống lại và đã gặp gỡ nói chuyện với họ. Như con cánh quýt sau khi lột xác thành chuồn chuồn nước, đã có khả năng bay lượn trong không khí, thì thân xác của Đức Giê-su sau khi sống lại cũng có những năng lực mới, trổi vượt hơn thân xác của Người trước đó…

Lạy Chúa Giêsu phục sinh
Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,
xin cho con biết sống
cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ.
Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống.
Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã.
Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu.
Vượt qua những khắc khoải của niềm tin.
Vượt qua những thành kiến con có về người khác…

Chính vì Chúa đã phục sinh
nên con vui sướng và can đảm vượt qua,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh
gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng,
tin tưởng và niềm vui.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Tình yêu trên cả tuyệt vời





Chuyện kể rằng : Người Cha Tốt Lành kia có một cô con gái nhỏ.

Người Cha rất cưng chiều cô con gái, và xem cô như Công Chúa của lòng ông. Cô con gái cũng rất yêu Cha mình và cố gắng luôn làm vui lòng Cha.

Một hôm, bạn bè trong lớp và cô bất đồng ý kiến, làm cô thật buồn, muốn giận hờn và nghỉ chơi với các bạn. Trong giờ học, cô bé không tập trung học, nghĩ miên man “Nếu là Cha, Cha sẽ theo phe mình rồi”. Cô chợt nghĩ “Hay do Cha luôn chiều mình nên mình trở nên đỏng đảnh, dễ hờn giận”. 

Về nhà, cô chạy đến ngay bên Cha “Cha ơi, Cha ơi!”. Người Cha mỉm cười và từ tốn hỏi: “Gì thế, công chúa nhỏ của Cha?”. Cô nhẹ nhàng đến bên và nói thật khẽ: “Từ nay Cha đừng nuông chiều con nữa nhé, kẻo con hư và dễ nổi giận với người khác”. Người Cha không trả lời gì, nắm hai tay con gái và nói: “Cha con mình ra vườn dạo chơi đi!”. Cô vui vẻ hớn hở theo Cha ra vườn, và quên ngay điều mình vừa xin. Cô vui sướng, hãnh diện được Cha nắm tay dắt đi. Cha dắt cô đến những cây này, hoa kia để nhìn ngắm, nhưng sao Cha chẳng nói điều gì, cứ trầm tư nghĩ ngợi. Rồi Cha buông tay và không nắm tay cô con gái cưng nữa. Cô cứ lẽo đẽo theo Cha mình. Một lúc, buồn chán vì Cha không để ý đến mình, cô đứng yên không đi nữa.

Đi khá xa con gái, người Cha như nhớ ra, vội quay đầu nhìn lại, thì thấy con gái nhỏ đứng từ xa, vẻ mặt đầy giận hờn muốn khóc. Người Cha vội vã quay trở lại và bồng con gái cưng trên tay. Cô liền vui vẻ ngay và thôi hờn giận Cha. Trên tay Người Cha Tốt Lành, cô bá vai, quàng cổ Cha, hôn lên đầu, lên mặt Cha vì Cha thật đáng yêu và dịu hiền.

Bạn thân mến, bạn thử nghĩ, Người Cha Tốt Lành đó là Thiên Chúa, và người con nhỏ như Công Chúa, Hoàng Tử là mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều là Con Một của Thiên Chúa, và được Ngài rất mực yêu thương. Nghĩ như thế bạn không hạnh phúc sao!

Phải, mỗi người chúng ta đều có một chỗ đứng, một vị trí đặc biệt trong Trái Tim của Thiên Chúa: “Trước khi ngươi được thành hình trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Giêrêmia 1,5). Thiên Chúa luôn dành một Tình yêu thương nồng nàn cho chúng ta là những người Con Một của Ngài. Trước Tình yêu thương chân thành của Thiên Chúa là Cha, lẽ nào chúng ta vẫn nhắm mắt làm ngơ, như vô cảm trước Thiên Chúa?

Là cha là mẹ, khi con cái không yêu thương bạn, hất hủi bạc bẽo với bạn, bạn cảm thấy thế nào? Bạn hẳn rất buồn, đau khổ và thất vọng với người con của mình. Nhất là khi người con Duy Nhất không yêu thương, trái lại, rất vô cảm, dửng dưng với bạn, bạn còn đau khổ dường bao!

Cứ đặt trường hợp này vào Thiên Chúa, bạn sẽ hiểu Thiên Chúa đau khổ, Trái Tim Người thổn thức thế nào khi chúng ta thờ ơ lãnh đạm với Thiên Chúa! Chúng ta không đến với Ngài, không chuyện vãn với Ngài, trong khi Thiên Chúa luôn chờ đợi, luôn giang rộng tay chờ đón để ôm ta vào lòng.

Cuộc sống có quá nhiều điều vượt sức con người. Nếu chúng ta luôn dựa vào sức mình, sẽ có ngày chúng ta quỵ ngã vì mệt mỏi. Đừng chần chờ gì nữa, bạn hãy mau chạy đến với Thiên Chúa là Người Cha đầy Quyền Năng và Tình Thương, Người sẵn sàng đưa tay giải quyết mọi vấn đề cho chúng ta bằng tất cả sự Nhân Hậu của Người.

Bạn ơi, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi bạn, vậy bạn cũng đừng bỏ rơi Thiên Chúa nhé! Xin mời bạn nếm cảm tình yêu ngọt ngào Mà Chúa Giê su dành cho Bạn quá cái chết tự nguyện của Ngài qua đoạn thư gởi tín hữu Philipphê sau đây :

Thứ sáu Tuần Thánh 30/3/2018
Lời Chúa :
Trích thư gửi tín hữu Philíphê 2,8-9

Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 


Suy niệm :
Cùng với tất cả những người tín hữu trên thế giới, hôm nay chúng ta có lý dành một chút thời giờ để hướng nhìn về con người Nagiaret chết trên cây thập giá, mà Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh trình bày cho chúng ta.
           Con người này chính là Con Thiên Chúa. Ngài vô tội. Ngài làm điều lành; trong suốt cuộc đời, ngài chỉ làm điều lành. Ngài không ruồng bỏ ai. Ngài rao giảng sự công bình, sự hòa giải, tha thứ và tình yêu. Nhân danh Thiên Chúa, ngài đã tha thứ rất nhiều, ngài an ủi rất nhiều, và chữa trị rất nhiều bệnh nhân.
          Tuy nhiên người ta đã giết chết ngài. Bởi vì ngài quấy rầy. Ngài quấy rầy những người có quyền thế. Ngài quấy rầy những người bắt người khác phải mang những gánh nặng mà chính họ không động ngón tay đến. Ngài quấy rầy những người chỉ biết sống cho chính mình, những người tự kiêu về những đặc quyền đặc lợi.
         Ngài đặt vấn đề nghi ngờ tất cả những người đó. Ngài đã dám làm điều đó. Chính vì thế mà ngài đã bị kết án và phải chết.
         Người ta nói rất đúng, cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu được nối dài trong sự đau khổ của những con người trong tất cả mọi thời đại. Đức Kitô hiện diện ở nơi nào mà con người chịu đau khổ. Ngài có mặt ở nơi nào mà con người bị nhạo báng và bị tước đi những quyền lợi sơ đẳng nhất. Ngài có mặt ở đó khi sự tự do của một con người bị chối bỏ, trói buộc, và khi đời sống của một con người bị xem không ra gì cả.

Chúng ta hãy nghĩ đến vô số những người, đàn ông, đàn bà và con trẻ, hiện đang thiếu thốn niềm vui, tự do, cơm bánh. Qua họ, đằng sau gương mặt đau khổ của họ, chúng ta hãy nhìn ra gương mặt đau khổ của Đức Kitô trên thập giá.
        Chúng ta hãy dám nhìn vào gương mặt đau khổ của anh chị em chung quanh, bởi vì nếu chúng ta không dám nhìn vào gương mặt của họ, chúng ta cũng không có thể chiêm ngắm gương mặt của Đức Kitô trên thập giá. Hôm nay chúng ta đừng than khóc về số phận của Đức Kitô trên thập giá. Tốt hơn, chúng ta nên khóc than về số phận của những người bị biến dạng do đau đớn và bị kiệt quệ do những bất công và sự dửng dưng, thờ ơ của chúng ta.

          Điều Đức Kitô chờ đợi nơi chúng ta là những người đã đến để cử hành phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh là, con tim chúng ta đừng quên bất cứ một ai trong những những người hôm nay đang bị đem đi giết chết, hành hạ, khắp nơi, bằng cách này hay cách khác. Tất cả những con người khốn khổ, bất hạnh đó, là hiện thân của Đức Kitô. Đối xử với họ thế nào, là đối xử với Chúa như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, 
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con, xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu, xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công, xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng, xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề, xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh, xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá, xin cho đất nối lại với trời, con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ, xin cho chúng con biết đón lấy đời thường với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.






Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

YÊU...phải làm gì ?


Kết quả hình ảnh cho Lời Chúa : Ga 13, 1-15


Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vụ một nữ sinh ở trường THPT Trần Nhân Tông – Hà Nội bị bạn học đánh đập và lột áo giữa thanh thiên bạch nhật mà không một ai đoái hoài. Tất cả những ai còn có chút lương tâm đều tự nghĩ: Sự vô cảm của người Việt đã đến mức báo động. Ai cũng chỉ còn nghĩ đến bản thân mình mà thôi, còn người khác sống chết mặc họ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tấm lòng rộng như biển, cao như núi. Trong vụ án xét xử người tài xế cố tình cán chết chị Nguyễn Thị Hội 20 tuổi những ngày qua, có một việc, làm cho tất cả mọi người phải ngõ ngàng đó là khi tòa án hỏi ý kiến người bà của chị Hội – 80 tuổi bà nghĩ sao?. Bà trả lời : “Thôi đằng nào cháu tôi cũng chết rồi, xin tòa giảm nhẹ án cho anh ta”. Cả khán phòng im lặng hướng về cụ bà trong ngỡ ngàng và thán phục. Họ không ngờ rằng giữa nỗi đau mất mát đến tột cùng do sự tàn ác của người khác gây nên vậy mà bà cụ 80 tuổi vẫn nói lên được lời tha thứ đến lạ lùng.
Vâng,
Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh đẩy lùi bóng tối của sự dữ.
Chỉ có tình yêu mới làm tan cõi lòng băng giá của con người.
Chỉ có tình yêu mới làn cho mọi sự trở nên tốt đẹp trong cuộc đời này.

Và đó là điều mà Thầy Giêsu muốn nhắn gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Xin mượn những dòng thơ sau để khép lại bài chia sẻ hôm nay như một gợi mở cho những ngày sống sắp tới :

Tôi xin mọi điều để tận hưởng cuộc sống
Người lại ban cuộc sống để tôi tận hưởng mọi điều. Vậy:
Nếu đã từng tổn thương, Hãy can đảm hàn gắn
Nếu đã từng gục ngã, hãy can đảm đứng lên
Nếu đã từng phải khóc, hãy trải hết lòng mình
Nếu đã từng được cười, hãy trân trọng niềm vui
Nếu đã từng yêu thương, hãy từ bỏ hận thù
Nếu đã từng ân oán, hãy rộng lòng tha thứ
Nếu đã từng được nhận, hãy tìm cách sẻ chia
Nếu đã từng được sống, hãy trân trọng cuộc đời.

Thứ Năm Tuần  Thánh 29/3/2018
Lời Chúa : Ga 13, 1-15

(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" (7)Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".
(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, độc đáo và đặc thù Đó là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.
Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến.
        Cuộc sống và cái chết của Đấng bị đóng đinh thập giá để nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối với hết mọi người không trừ ai. Tình yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực để chúng ta noi theo.

Tâm tình :
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn, khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Chai lỳ trong tội

Hình ảnh có liên quan

Chồng nghe lời cô vợ mới, 
đuổi mẹ già yếu ra khỏi nhà và cái kết sau 2 năm

“Mẹ về quê sống đi, mẹ sống ở nhà con thế này chỉ khiến gia đình thêm căng thẳng thôi”. Bà mẹ già còng lưng mắt rớm nước ngước nhìn đứa con trai mình mang nặng đẻ đau nuôi nấng trưởng thành vì tin vợ mà nỡ đuổi mẹ. Trong đêm tối bà lầm lũi bỏ đi.

Ngày trước gia đình tuy nghèo khó nhưng Lan với chồng và mẹ chồng sống rất vui vẻ bên nhau. Bố Tài mất sớm, mẹ nuôi anh khôn lớn ăn học đàng hoàng rồi hỏi vợ cho anh. Lan – vợ Tài là người phụ nữ chịu thương chịu khó có học thức và thương yêu mẹ chồng vô cùng.
        Cuộc sống gia đình Lan yên ấm được tầm 5 năm thì Tài bắt đầu thay đổi. Anh làm việc trên thành bố cặp bồ ở trên ấy, Lan và mẹ chồng ở quê biết tin, sốc vô cùng. Nhiều lần mẹ già khuyên răn nhưng Tài không chịu nghe. Anh nói anh đã tìm được định mệnh của cuộc đời, anh đã hết tình cảm với Lan mất rồi.
        Lan khóc ngất, cô không ngờ mình ủng hộ chồng lên đó lập nghiệp giờ lại tan cửa nát nhà thế này. Làn nào Tài về quê được 1 hôm là cô bồ gọi réo rét bắt lên bằng được, anh ta như bị bùa mê thuốc lũ dứt không ra được. Lan níu kéo thậm chí tìm cả thầy để giải hạn nhưng vô ích.
        Lan bị chồng bỏ rơi 1 cách phũ phàng, mẹ chồng thương cô nhưng chẳng làm gì được. Tài nhanh chóng rước cô bồ về làm vợ mới ngay sau khi vừa đẩy được mẹ con vợ cũ đi. Đợt đó mẹ Tài già yếu, mắt mờ đi nhiều, nên anh quyết định về quê đưa mẹ lên thành phố ở với mình.

Bà không chịu vì bà ghét vợ mới của Tài, nhưng sau khi bị thuyết phục nhiều lần cuối cùng bà cũng chịu lên thành phố. Sống với cô con dâu mới được 2 tháng bà chán đến tận cổ, cô ta cũng xem bà chẳng ra gì lại còn hay đặt điều cho bà sau lưng. Rồi 1 hôm chiếc dây chuyền của cô ta bị mất, vợ mới của Tài làm ầm lên đổ cho mẹ của Tài lấy đã vậy cô ta còn nói chính bà đã tát cô ta chỉ vì không cho bà tiền tiêu vặt.
      Thấy vợ khóc lóc rồi nói đủ điều xấu về mẹ mình, Tài đang bực mình chuyện công việc sẵn liền điên lên: “Mẹ về quê sống đi, mẹ sống ở nhà con thế này chỉ khiến gia đình thêm căng thẳng thôi”. Bà nhìn đứa con trai mình mang nặng đẻ đau nuôi nấng trưởng thành vì tin con hồ ly tinh ấy mà đuổi mẹ đi. Trong đêm tối bà lầm lũi ôm đồ bỏ về quê. Tài chạy theo đòi đưa bà ra bến xe nhưng bà không chịu. Cô con dâu mới thấy thế liền mỉm cười đắc chí: “Mụ già đó về mình nhẹ cả người”.
      Suốt chặng đường về quê bà liên tục khóc, xót xa và cay đắng vô cùng. Bà nhớ tới Lan, cô con dâu cũ hiền thảo ngày trước. Bà nhớ đứa cháu nội đáng thương của mình. Hôm đó về đến nhà chập choạng tối, bà ho rũ rượi vì bị cảm cúm mấy hôm chưa khỏi. Lưng khòm lò dò vào nhà bà nghe tiếng gọi lớn:
- Nội ơi!
Mắt bà rưng rưng cay xè ngước lên:
- Cái Cún đấy à con?
- Vâng con đây, con qua thăm bà suốt mà chẳng thấy bà ở nhà.
- Mẹ ở trên đó về à, anh ấy đâu mà mẹ về 1 mình thế này?
- Đừng nhắc nữa con ơi, với mẹ giờ không có thằng con ấy nữa.
- Mẹ à! Mẹ đến ở với con nhé, con chuyển công tác. Con muốn được chăm sóc mẹ, mẹ đồng ý nha mẹ.
         Bà mẹ già yếu, mắt lem nhem nhìn cô con dâu rồi bà cứ thế khóc. Kể từ ngày đó ba người họ sống với nhau vui vẻ. Bà cũng không liên lạc với con trai vì mỗi lần cầm điện thoại lên bà lại nhớ cái cảnh mình bị đuổi ra khỏi nhà giữa đêm như thế. Nhưng dù giận thì bà vẫn mong ngóng Tài từng ngày. Sau cái lần hỏi mẹ về quê an toàn không thì dường như Tài biến mất hoàn toàn.
       Năm ấy bà ốm nặng, một mình cô con dâu chạy chữa. Lan có gọi cho Tài mấy lần nhưng máy thuê bao, cô dò hỏi trên thành phố thì nghe nói anh ta chuyển chỗ ở nên không biết làm sao cả. Mẹ chồng cũ của cô ra đi trong 1 buổi chiều lạnh lẽo. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay bà chỉ biết nắm lấy tay Lan mà khóc.

2 năm sau kể từ ngày đuổi mẹ khỏi nhà, Tài mới mò về quê tìm mẹ. Lúc này anh tay trắng, bao nhiêu của cải gây dựng cô vợ mới đã cuỗm hết theo bồ. Đứa con trai mà anh nghĩ là con của mình thì ra cũng là con của người khác. Về đến đầu làng anh đã thấy người ta chỉ trỏ, căn nhà cũ rách nát của mẹ anh nay càng xơ xác tiêu điều, lẻ bóng. Anh gục ngã khi thấy di ảnh mẹ trên bàn thờ, lúc này Tài thực sự chết lặng. Anh gào khóc nhưng tất cả đã quá muộn.
      Chiều tối Mai qua nhà dọn dẹp thắp hương thấy chồng cũ ngồi bần thần giữa nhà. Tài nhìn cô rồi cầu xin cô tha thứ, nhưng Lan nhìn anh với ánh mắt đầy căm hận:
- Đứa con bất hiếu như anh còn vác mặt về đây làm gì nữa. Đổ oan đuổi mẹ già đau yếu ra giữa đường, để mẹ chết trong cô đơn giờ anh còn dám về đây sao? Anh cứ ôm lấy cô vợ yêu quý đó của mình mà sống, cả đời này chúng tôi sẽ không tha thứ cho anh đâu.
       Nói rồi Lan bỏ về, Tài ngồi nhìn lên trần nhà: “Đây là quả báo cho 1 kẻ bất hiếu như mình. Mẹ ơi con sai rồi, con xin lỗi mẹ”. Vậy nên: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”.

Sự mù quáng trong tình yêu làm mờ mắt nhiều người. Gây ra nỗi khổ xé lòng ! Nỗi đau của sự phản bội lên lên đỉnh điểm là dẫn đến cái chết. Xin mời Bạn cùng đọc :

Thứ tư Tuần Thánh 28/3/2018
Lời Chúa : (Mt 26,14-25)

14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế 15 mà nói: “Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị”. Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. 16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.
17 Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” 18Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.”19 Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn lễ Vượt Qua.
20 Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. 21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”
23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!” 25 Giu đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp bi, chằng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”

Suy niệm :
Sự phản bội của Giuđa được thúc dục bởi lòng tham lam, vì sự cay đắng và thất vọng với Chúa Giêsu, hay có thể là vì sự hận thù, vì vỡ mộng? cũng có thể ông Giuđa đã nghĩ rằng Chúa Giêsu đã xúc tiến công việc của Ngài quá chậm và không quyết liệt trong việc thiết lập vương quốc của Ngài. Cũng có thể ông Giuđa không có ý định là muốn cho Thầy của mình chết vì ông ta nghĩ rằng thầy của mình là đấng có quyền phép, có thể tự cứu lấy chính mình khỏi tay quân dữ. Và cũng có lẽ ông Giuđa đã mưu mẹo ép buộc Chúa Giêsu phải ra tay hành động để giải cứu dân Do Thái khỏi ách đô hộ của người La Mã thời bấy giờ... Tuy nhiên thảm kịch của Giuđa là sự từ chối, không chấp nhận Chúa Giêsu như là Thiên Chúa của sự yêu thương, khiêm tốn, Vị tha. 
Bằng một câu hỏi, Giu-đa đã lừa dối anh em, lừa dối Chúa Giêsu và lừa dối chính bản thân mình. Rồi ông sẽ đi tới tận cùng của sự lừa dối bằng một cái hôn chỉ điểm cho quân lính bắt Thầy. Qua bao năm tháng đồng lao cộng khổ, vậy mà giờ đây Giu-đa đã trở mặt phản bội thầy, chối bỏ anh em, làm ngơ trước tiếng nói của lương tâm. Vì sao? Chắc chắn ba mươi đồng bạc không phải là lý do, nhưng đó chỉ là ngưỡng cuối cùng của một tình yêu đã bị lịm tắt. Khi trái tim con người không còn nhạy cảm để đón nhận và sống tình thương của Thiên Chúa, thì chính lúc đó “bóng tối” sẽ hoàn toàn chế ngự tâm hồn để cho tội lỗi mặc sức hoành hành!

 Bên cạnh một vài mặt nổi về kinh tế, những mặt tối “nổi cộm” khác cũng thật đáng lo ngại: nạn nạo phá thai kỷ lục, tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, tham nhũng lan tràn, tình trạng nghiện ngập đến cả giới thanh thiếu niên, trò đánh thầy, cô giáo bạo hành trẻ, những vụ án mạng tuổi học sinh… Khi lửa tình yêu dành cho Chúa không còn, trái tim con người trở nên “chai cứng” để đối xử “lạnh lùng” với tha nhân. Hình ảnh Giu-đa không thiếu trong trong xã hội ngày nay và, lắm khi cả trong bạn, trong mỗi người chúng ta nữa!

Lạy Chúa Giê-su, trong vườn Giêt-si-ma-ni, trên cây Thập giá Chúa thấy hết tội lỗi chúng con. Ngày nay, có rất nhiều Giuđa bán Chúa, phản bội Chúa. Và có lúc, Giuđa ấy là chính con. Xin cho con biết nhận ra tâm hồn phản bội của mình, để mau mắn lên đường trở về, tin tưởng, phó thác vào Tình Yêu quan phòng và bao dung của Thiên Chúa. Amen.

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Nỗi đau bị phản bội


Kết quả hình ảnh cho Tin Mừng thứ ba tuần thánh


Thằng em kết nghĩa 9x đời đầu cưới vợ. Vợ là gái Tuyên Quang, xinh xắn, lại có học thức. Cùng mừng cho thằng em. 2 đứa đẹp đôi lắm. Ông bà già thằng em làm bên Tổng cục Du lịch. Cơ to. Có mấy cái nhà Hà Nội. Vợ chồng thằng em đúng là may mắn và hạnh phúc. Con 1 mà, được ông bà già chiều chuộng đủ đường. Thấy hơi ghen tị 1 chút…

Bất ngờ, ông già thằng em dính phốt. Phải ra tòa, chưa biết sẽ thế nào. Tài sản liên phong, tiền bạc đội nón ra đi sạch sẽ. Mẹ thằng em sốc, tai biến. Rồi nằm liệt giường. Thằng em từ 1 công tử danh gia vọng tộc, bỗng trở thành tay trắng và làm lại từ đầu. Con vợ gái Tuyên giở chứng. Rồi vợ chồng chia tay.
Hôm rồi, anh em ngồi thịt chó chiếu hoa tâm sự.

- Ôi anh ơi! Nó yêu gì em? Nó yêu tiền nhà em thì có! Nhà em lụi rồi thì nó cũng tếch đi thôi. Giờ nó cặp với thằng trưởng phòng chỗ ngân hàng nó làm đó anh! May mà em chưa có con!
Tự nhiên thấy đắng lòng. Nghĩ thầm: Đời phù thịnh chứ ai phù suy đâu em! Tình yêu cũng không nằm ngoài quy luật đó…
Tình yêu là thế. Hẹn hò, thề thốt với nhau. Cuối cùng, cũng không thể vượt qua được những cám dỗ của dục vọng, tiền tài. Yêu ai thì hãy yêu hết mình, nhưng đừng đặt trọn vẹn niềm tin vào đó. Bởi có thể, 1 ngày nào đó, bạn sẽ mất tất cả đấy…
Trên đời này, có rất nhiều điều là vĩnh cửu, nhưng tuyệt nhiên, tình yêu không phải là 1 trong số đó…

Phản bội tình yêu là nỗi đau không thể xóa mờ trong trái tim của một người. Nó đau đến nỗi có thể hủy diệt sự sống của ai đó, cũng làm tê liệt mọi khả năng vốn có, mất cả nhận thức không gian và thời gian. Xin mời Bạn cùng chiêm ngắm nỗi đau của Chúa Giê su khi bị chính bạn thân phản bội ra sao trong đoạn Lời Chúa sau đây :


Thứ Ba Tuần Thánh 27/3/2018
Ga 13,21-33.36-38

21 Khi ấy, đang lúc Đức Giê-su dùng bữa với các môn đệ, Người cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố : “Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” 22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai. 23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su. 24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo : “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai ?” 25Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi : “Thưa Thầy, ai vậy ?” 26 Đức Giê-su trả lời : “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 27 Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y. Đức Giê-su bảo y : “Anh làm gì thì làm mau đi !” 28 Nhưng trong số các người đang dùng bữa, không ai hiểu tại sao Người nói với y như thế. 29 Vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giê-su nói với y : “Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ”, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo. 30 Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.
31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái : ‘ Nơi tôi đi, các người không thể đến được ‘, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.
36 Ông Si-môn Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ?” Đức Giê-su trả lời : “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được ; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” 37 Ông Phê-rô thưa : “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy !” 38 Đức Giê-su đáp : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.


Suy niệm :
Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để vâng theo thánh ý của Chúa Cha như tiền định từ trước. Nhưng khốn thay cho Giuđa khi ông chấp nhận trở thành kẻ bán Chúa với ba mươi đồng bạc. Bao nhiêu năm làm môn đệ của Thầy Giêsu, bao nhiêu năm đi theo Thầy khắp tứ phương thiên hạ, ấy thế mà trong những giây phút yếu lòng, Giuđa đã phản bội Thầy bằng chính một nụ hôn.
        Nụ hôn của trò đã trở nên dấu chỉ nộp Thầy. Nụ hôn đã khiến cho cái chết của Đức Giêsu vốn đã đau đớn lại càng nên tê tái hơn khi bị bán bởi chính học trò của mình. Nụ hôn đó đã phản bội lại tình yêu thương mà bấy lâu nay Thầy vẫn hết mực dành cho Giuđa.
      Tuy nhiên, khi nhận ra sự sai lỗi của mình vì đã bán thầy, nhận thấy sự nhơ nhớp của ba mươi đồng bạc trong tay, Giuđa đã sám hối và ném trả lại số tiền đó cho các thượng tế. Nhưng tiếc thay, sự sám hối của Giuđa lại không đi đến niềm hy vọng vào lòng bao dung Chúa Giêsu, mà trái lại ông lại đẩy nó vào ngõ cụt của sự thất vọng khi lặng lẽ đi kết liễu đời mình.

Hình ảnh Giuđa đã để lại nhiều suy nghĩ trên hành trình đức tin của mỗi người chúng ta ngày hôm nay :  Nhiều lúc chính ta cũng đang nộp Chúa mỗi khi ta bất tín với Người, lạnh lùng với tha nhân. Ta dẫm đạp lên tình thương của Chúa bằng lối sống thờ ơ, bỏ bê việc đạo đức. Ta khước từ tình yêu của Chúa để chạy theo những thú vui đam mê ở đời.
        Lắm lúc chính ta đang phản bội Chúa khi tin vào những thần này thánh nọ, hay khi đưa mình vào những trò mê tín dị đoan. Nhiều khi ta “bán” Chúa ra khỏi đời mình chỉ vì để làm những việc thất đức, đồi bại, hay chỉ vì những lợi ích kinh tế trước mắt.
        Giữa dòng chảy xô bồ của cuộc sống, trong những lúc gặp khó khăn, ta mất hết niềm tin vào Thiên Chúa. Giữa những nghịch cảnh của phận người, ta thất vọng về chính mình, thất vọng về Thiên Chúa và đẩy đời mình vào bước đường cùng của sự tối tăm.
          Ta chán nản với đời, ta hận với chính mình, ta trách móc Thiên Chúa, để rồi dòng đời ta ngày càng nặng nề với những buồn phiền và thất vọng chồng chất.
       Suy ngẫm về cuộc đời Giuđa là dịp cho ta nhìn lại chính mình: Giuđa đã phản bội Chúa bằng môt nụ hôn đầy khéo léo và thâm độc, còn chúng ta thì sao? Trong lời nói, suy nghĩ và hành động, có khi nào ta phản bội Chúa không?
         Trong cuộc sống với nhiều cám dỗ và thử thách hôm nay, ta còn có niềm tin tưởng và phó thác nơi tình yêu Chúa nữa không? Hay giống như Giuđa, ta cũng đang chôn chặt đời mình trong sự tuyệt vọng không mong mỏi một ngày mai tươi sáng hơn.

Lạy Chúa, trong những ngày này, Chúa rất cô đơn và buồn tủi, nhưng Chúa vẫn trung thành, phó thác, vâng theo thánh ý Cha với trọn tình yêu để hiến thân chuộc tội cho nhân loại. Xin cho chúng con luôn biết sống kết hợp mật thiết với Chúa để chúng con luôn lắng nghe tiếng nói của Chúa, hiểu ý Chúa và sống đẹp lòng Chúa. Để chúng con đừng “bội nghĩa bất trung” với Chúa , với Giáo hội, giáo xứ, gia đình và tha nhân.

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Có gì cao đẹp hơn lòng thủy chung

Kết quả hình ảnh cho Tin Mừng thứ hai tuần thánh


Sư huynh Christian-Marie vào cộng đoàn năm 2014, thầy nói về ý nghĩa của đời sống góa bụa trong đan viện: “Những người trong cộng đoàn chúng tôi đầu tiên hết họ trải qua một tình trạng bấn loạn sâu đậm. “Một nửa của họ” đã ra đi tạo một cái gì phi lý cho cuộc đời của họ. Kế đó, họ trải qua giai đoạn thứ nhì, thử thách này giúp cho họ hiểu, những gì họ sống trong đời sống vợ chồng, gia đình, nghề nghiệp đích thực là món quà của Chúa, một cuộc đời đáng sống”. Vì thế một cảm nhận biết ơn sâu xa với Chúa là nền tảng cho lời khấn đời sống đan tu của họ: “Theo ngôn ngữ tôn giáo, đó là sự cần thiết phải trả ơn”.

Một chọn lựa như thế nói lên lòng chung thủy của các ông với vợ mình, vượt lên đời sống vợ chồng thường và cái chết. Với những người này, thành ngữ “để tang” không có ý nghĩa, bởi vì họ luôn kết hiệp với người đã khuất. Sư huynh Christian-Marie giải thích: “Cảm nhận của lòng chung thủy này nói lên tấm lòng hướng về trời của họ. Hai vấn đề ở trong lòng chúng tôi: ‘Làm sao đáp trả lại cho Chúa với bao nhiêu điều tốt lành Ngài đã làm cho?’ và ‘Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì cho Chúa?’. Khi đó mình có cảm nhận như có một sự sống lại trong chính mình”.

Họ không còn trách vụ gia đình, các ông góa được thôi thúc bởi khát khao ca tụng Chúa và đi tìm Chúa. Họ đã có con, con cái họ bây giờ đã tự lập, họ vẫn tiếp tục duy trì liên lạc với gia đình, đó là điểm đặc biệt của cộng đoàn Huynh đệ Phục Sinh. Sư huynh Christian-Marie cho biết: “Thường thường truyền thống nghiêm nhặt của đan viện dạy cho chúng tôi thoát khỏi thế gian và từ bỏ những gì thuộc thế gian. Nhưng chúng tôi nhớ lại, trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã xin: ‘Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần (Ga 17, 15)’. Tuy nhiên khi nói đến sự từ bỏ trong đoạn “người thanh niên giàu”, thì chúng ta làm sao để việc chúng ta kết dính với thế gian không là trở ngại để chúng ta không theo Chúa được”...

Thứ hai Tuần Thánh  26/3/2018 
Lời Chúa : Ga 12,1-11 

Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu : cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói : “ Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo ?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp : y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói : “ Hãy để cô ấy yên hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh ; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.
Một đám đông người Do Thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu

Chúa Giêsu có những người bạn rất thân cận, và Ngài thích dành thời gian rãnh rỗi với họ và nhất là những thời gian cần được nghỉ ngơi trong nhà của họ. Sáu ngày trước lễ Vượt Qua Chúa Giêsu đã đến thăm họ một lần nữa Ngài ở lại và ăn bữa tối với họ. Đột nhiên, Maria chị của Lazarô đã mang một cân thuốc thơm rất mắc tiền và xức chân Ngài. Có lẽ đây là một việc hơi quá đáng?
Chúa Giêsu biết rằng sứ mệnh của Ngài sớm sẽ được hoàn tất. Ngài sẽ bị đau khổ và bị giết trên thập giá. Tuy nhiên, Ngàivẫn cho phép Maria phung phí bình nước thơm mắc tiền này. Có lẽ Ngái muốn cho tất cả chúng ta biết rằng thân xác của Ngài còn có giá trị lớn nữa và rất xứng đáng để được xức loại dầu tốt nhất . Có lẽ , Chúa Giêsu lúc đó đã dự đoán vế phép Thánh Thể, và Thân mình của Chúa, sẽ được dâng hiến cho chúng ta . Ngài bác bỏ đề nghị của Judas Iscariot , người mà đề nghị đem bán dầu thơm đó đểlấy tièn giúp cho những người khốn khó. Judas, chỉ vì ham tiền nên chắc chắn không thể hiểu được Chúa Giêsu và sứ mệnh của Ngài.
Trong lời cầu nguyện chúng ta có thể phản ánh về thái độ của chúng ta đối với Mình và Máu ThánhChúa Kitô. Và suy niệm tình yêu của Chúa đã dành cho Maria và Ngài để để Maria xức dầu thơm trên Chân và tôn kính Ngài trọng đại như thế?

Lạy Chúa Giêsu, làm chứng cho Chúa là một sứ mạng cao quý, xin ban thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con thắng vượt những khó khăn, thử thách khi thực thi sứ mạng làm chứng cho tình yêu Chúa giữa thế giới hôm nay. Xin cũng cho chúng con biết tiền bạc là cần thiết, nhưng nó không phải là mục đích sống còn của cuộc đời để chúng con đừng ham mê tiền bạc đến nỗi quên mất tình người, quên Chúa và phản bội Chúa. Nhất là xin cho chúng con hiểu được tình yêu Chúa qua cái chết của Người để đền bù tội lỗi cho chúng con và giúp chúng con bước vào Tuần Thánh này với tất cả đức tin và lòng mến Chúa. Amen.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Chấp nhận con đường dẫn đến cái chết

Kết quả hình ảnh cho Tin Mừng Chúa nhật lễ là năm B


Tại một ngôi nhà thờ nọ ở Tây Ban Nha có một cây thập giá được rất nhiều người tôn sùng. Đó là tượng chịu nạn tha tội: Chúa Giêsu bị đóng đinh tay trái, còn tay phải của Ngài thì thõng xuống.

Truyền thuyết kể lại: Có một người tội lỗi tìm đến với cha xứ. Tuy ông đã xưng thú mọi tội lỗi với lòng sám hối, nhưng cha xứ lưỡng lự không biết có nên tha cho ông hay không, vì thấy ông phạm quá nhiều tội. Sau cùng, cha nghiêm giọng nói:
– Tôi ban bí tích Giải tội cho ông, nhưng trong tương lai ông phải cố gắng sửa mình.
Ông hứa với cha xứ, nhưng vì yếu đuối ông lại sa ngã và một thời gian sau lại tìm đến tòa cáo giải.                 Lần này thì cha xứ nói với ông bằng một giọng nghiêm khắc:
– Tôi ban bí tích Giải tội cho ông lần này là lần cuối cùng đấy. Ông đã nghe thấy chưa.
Vài tháng trôi qua và ông lại đến quỳ dưới chân cha xứ và năn nỉ:
– Con thực lòng ăn năn, xin cha tha tội cho con một lần nữa.
Cha xứ đáp:
– Đừng đùa giỡn với Chúa. Tôi không ban bí tích Giải tội cho ông nữa đâu.

Khi nói thế, cha bỗng nghe thấy có tiếng nấc nghẹn ngào. Rồi từ trên thập giá, cánh tay phải của Chúa từ từ hạ xuống và ban phép giải tội cho người tín hữu thành tâm sám hối. Và Ngài nói với vị linh mục:
– Chính Ta đổ máu ra để cứu chuộc ông ấy chứ không phải là con.
Và cũng từ ngày đó, cánh tay phải của Chúa thõng xuống trong tư thế ban phép tha tội.
          Chính Ta đã đổ máu ra để cứu chuộc con. Lời ấy chính Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta trong tuần thánh này. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với người tôi tớ đau khổ của Đức Giavê. Thập giá trước mắt người đời là dấu chỉ của tủi nhục và thất bại, là hình phạt được dành cho bọn nô lệ và phản loạn. Thế nhưng, Thiên Chúa đã biến đổi nó thành dấu chỉ của tình thương, của ơn cứu độ và của sự tha thứ. Khi tuyệt đối trung thành với thánh ý Chúa Cha bằng cách chấp nhận thập giá, như lời thánh Phaolô đã viết:
– Đức Kitô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá.
        Ngài đã dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị cứu độ của đau khổ. Con đường Đức Kitô đã đi qua là con đường của đau khổ, của thập giá, của khiêm nhu, của thất bại, con đường ấy không đưa chúng ta vào ngõ cụt, nhưng dẫn chúng ta tới vinh quang phục sinh.

Là người môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không có một con đường nào khác ngoài con đường thập giá, tức là chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống như lời Ngài đã phán:
– Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.
         Mỗi khổ đau, mỗi hy sinh chúng ta vui lòng chịu vì lòng yêu mến Chúa sẽ là một góp phần nhỏ bé vào thập giá Đức Kitô để đền bù tội lỗi, cũng như để thu tích công nghiệp cho chính bản thân của mình. Và như thế, đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới vinh quang phục sinh.

Cùng nhau, chúng ta hãy bước theo Chúa đến đồi Can-vê. Cùng Ngài, hãy bước vào tuần khổ nạn với Ngài ! Xin Chúa ban cho mỗi chúng ta sức mạnh của tình yêu để có thể vác thánh giá mình mỗi ngày mà theo Ngài ! Xin cho chúng con biết dành nhiều thời gian hơn trong tuần đặc biệt này, cùng chia sẻ nỗi đau với Ngài để cùng được sống với Ngài luôn mãi!

Chúa Nhật 25/3/2018 - Lễ Lá
Lời Chúa : Mc 11:1-10

Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: "Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con 'Sao các ông làm thế?', thì hãy nói rằng: 'Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây'". Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: "Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?" Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Đavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!"

Suy niệm :
Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm nay được mở đầu với bầu khí hân hoan phấn khởi qua nghi thức rước lá nhằm tưởng nhớ lại việc Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem. Đám đông dân chúng tung hô Chúa Giêsu“Hosana, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Nhưng liền sau đó, phụng vụ Lời Chúa lại trình bày cho chúng ta con đường thập giá và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu qua bài thương khó. Giáo hội muốn làm nổi bật Mầu nhiệm Thập giá trong suốt Tuần thánh để người Kitô hữu xác tín: Thập giá, tình yêu cứu độ. Thập giá, con đường vinh quang phục sinh.

Sau đây, chúng ta chiêm ngắm cuộc tử nạn của Chúa Giêsu qua Tin mừng thánh Marcô vào dịp lễ Vượt Qua năm 30; lễ vượt qua cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Hôm đó, người ta đổ về Giêrusalem để mừng lễ, nhiều người ngoại quốc cũng đến để chung vui với người Do Thái vào dịp đại lễ này. Họ chứng kiến một vị ngôn sứ là Chúa Giêsu bị kết án tử hình đóng đinh thập giá. Người ta tố cáo Ngài với hai tội danh là phạm thượng“tự xưng mình là Thiên Chúa” và tội phản động chống lại hoàng đế Rôma“Người này nói dân nổi loạn”. Nhưng trước mắt toàn dân, quan án Philatô xét xử và xác nhận: Ông Giêsu không có tội, ta truyền đánh đòn và tha ông.
Để cứu độ nhân loại, Đức Giêsu đã chấp nhận án tử hình thập giá, chấp nhận chết để cứu sống nhân loại tội lỗi. Con đường Đức Giêsu đã đi là con đường thập giá, con đường tử nạn để cứu nhân loại khỏi tội và đưa con người vào cõi sống muôn đời
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con, những môn đệ của Chúa cũng nhất quyết đi lại con đường của Chúa, con đường hẹp của Phúc Âm, con đường thập giá và tử nạn, để được cùng Chúa bước vào vinh quang. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Trả giá bằng cái chết

Kết quả hình ảnh cho cái chết của chúa giêsu
Câu chuyện của một người cha thương yêu đã bị giết chết vì chống lại Đức Quốc Xã
Có một câu chuyện chung của tất cả các thánh là: Kitô hữu không bao giờ cô độc một mình. Ngay cả trong những trường hợp bị cô lập nhất, các thánh nhân có một sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Nguyên lý này được thể hiện qua sự tử đạo của Franz Jagerstatter, một người cha và là vị tử đạo trong thời kỳ chiếm đóng của Đức Quốc Xã của Áo.

Vị thánh và các bạn bè

Bạn bè, gia đình và thậm chí cả các giám mục địa phương đến thăm Jagerstatter trong tù, cố gắng thuyết phục ông chiến đấu. Không ai trong những khách viếng thăm cho ông một lập luận thuyết phục ngược lại niềm tin đạo đức của mình về việc từ chối nhập ngũ là điều trái với lương tâm. Thay vào đó, tất cả họ đều cố gắng thuyết phục ông rằng Thiên Chúa sẽ không bắt ông chịu trách nhiệm cho việc làm mà nhà nước đã ra lệnh. Jagerstatter đã không bị thuyết phục. Ông nói, “kể từ cái chết của Chúa Kitô, hầu như mỗi thế kỷ đã chứng kiến ​​sự bách hại các Kitô hữu; luôn có những anh hùng và các vị tử đạo hiến dâng cuộc đời của họ vì Chúa Kitô và vì đức tin của mình. Nếu chúng ta hy vọng sẽ đạt được mục tiêu của chúng ta một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ trở thành những anh hùng của đức tin.”Vợ ông chấp nhận làm theo lương tâm của ông. Ông cũng là thành viên của một phong trào các vị tử đạo Công giáo là những người hiến dâng cuộc đời họ để chống lại Đức Quốc Xã.

Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá (Edith Stein) đã qua đời vào tháng Tám trước ở Auschwitz, gần một năm sau ngày Thánh Maximilian Kolbe. Thánh Marcel Callo chỉ bắt đầu những hoạt động Công giáo bí mật tại trại lao động ép buộc của mình mà cuối cùng dẫn đến tử đạo năm 1945 vì “quá Công Giáo.”Ấn tượng nhất, Jagerstatter đã trải qua từ tháng Năm đến tháng Tám năm 1943 trong cùng nhà tù như các mục mục phái Luther và vị tử đạo Dietrich Bonhoeffer nổi tiếng. Không có bằng chứng cho thấy hai người đàn ông đã từng gặp, hoặc thậm chí nhận ra rằng họ đã ở một nhà tù với một người có niềm tin tương tự như vậy. Mặc dù Jagerstatter đã có thể học hỏi từ một linh mục, người đã tử đạo trong cùng nhà tù với các lý do giống nhau mà ông và nhiều người khác đã chia sẻ.

Cuối cùng ông đã trả giá cuộc đời của mình cho niềm tin đó. Ông được đưa đến Berlin, nơi ông đã bị kết án tử hình vì tội nổi loạn. Những lời cuối cùng của ông trước khi lên máy chém là, “Tôi hoàn toàn được kết hiệp trong việc nên một với Chúa Kitô.”

Trong công đồng Vatican II, Giáo hội đã duyệt xét cuộc đời Jagerstatter và hình thành nên “Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay” nói về người từ chối nhập ngũ vì cho rằng điều đó trái với lương tâm. Ông được phong chân phước 50 năm sau khi tử đạo. Các con gái, cháu và chắt của ông đã tham dự thánh lễ phong Chân phước.

Thứ Bảy 24/3/2018 - Tuần 5 MC
Lời Chúa : Ga 11, 45-56

45 Khi ấy, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : "Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta."49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : "Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt." 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau : "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không ?"

Trong cuộc sống trần thế, chúng ta cũng đã nhiều lần chứng kiến những cái chết hy sinh cho một dân tộc, một quê hương hay một vị thủ lãnh của nhóm. Đó là những mẫu gương bất khuất để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho những thế hệ sau.
Nhưng có một con người, với một cái chết đầy bi thương và huyền nhiệm đã thực sự đi vào lịch sử nhân loại qua muôn ngàn thế hệ, và lưu truyền đến mãi đời sau. Đó là cái chết của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Thật vậy, Ngài là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, đã từ trời cao xuống thế làm người, sống như con người, và rồi cuối đời Ngài đã chấp nhận cái chết thay cho nhân loại. Nhờ cái chết đau thương của Ngài, mà cả nhân loại được thứ tha tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, và tận hưởng sự sống đời đời.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đang dẫn chúng ta bước vào khởi điểm của cái chết Đức Giêsu qua quyết định của các thủ lãnh Do Thái. Họ âm mưu giết Chúa vì thấy Chúa làm nhiều dấu lạ  Đặc biệt việc Chúa cho Ladarô sống lại, khiến nhiều người tin vào Ngài .
Dẫu rằng còn đó trách nhiệm của người Do thái trên cái chết của Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn có sẵn một chương trình yêu thương của Ngài, đã đặt để từ muôn đời nơi con người Đức Giêsu. Vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa quyền năng có thể biến sự dữ ra sự lành để mưu ích phần rỗi cho con người.

Lạy Chúa Giêsu, sự thật mà Chúa muốn chúng con sống, đòi hỏi chúng con phải có quyết tâm cao thượng mới có thể đi vào đường lối đó được. Vì thế, xin Chúa ban cho chúng con can đảm sống giá trị Tin Mừng dù có phải thiệt thòi. Amen.


Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2018

Sống hẹp hòi mang họa vào thân


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện về sống hẹp hòi


CÂU CHUYỆN VỀ CHIM ÉN VÀ DẾ MÈN

Mùa xuân đất trời đẹp.Dế Mèn thơ thẩn ở cửa hàng , hai con chim Én thấy tội nghiệp bèn rủ Dế Mèn dạo chơi trên trời. Mèn hốt hoảng. Nhưng sáng kiến của Chim Én rất giản dị : hai Chim Én ngậm hai đầu của một cọng cỏ khô. Mèn ngậm vào giữa. Thế là cả ba cùng bay lên. Mây nồng nàn , đất trời gợi cảm, cỏ hoa vui tươi.
Dế Mèn say sưa. Sau một hồi lâu miên man Mèn ta chợt nghĩ bụng: “Ơ hay, việc gì ta phải gánh hai con én này trên vai cho mệt nhỉ . Sao ta không quẳng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không ?”.Nghĩ là làm. Nó bèn há mồm ra và nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành.

Câu chuyện nói về cách sống của các loài vật trong thiên nhiên, hai con Chim én đã tốt bụng tặng Dế Mèn một món quà thật tuyệt vời là một chuyến thưởng ngoạn khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, ấm áp. Chim Én là con vật biết bay, thế nên chúng thấy tội nghiệp cho Dế Mèn không được bay tận hưởng không gian mùa xuân. Do đó, chúng nghĩ ra sáng kiến để cả ba cùng bay thưởng thức cảnh trời đất gợi cảm, tiếc thay Dế Mèn lại không biết trân trọng món quà ấy. Từ người chịu ơn, Mèn đã ảo tưởng mình là người ban ơn. Từ việc mình là gánh nặng cho người khác Mèn ta tưởng người khác chính là gánh nặng của mình. Lòng ích kỷ, tính toán và ngộ nhận, ảo tưởng khiến Dế Mèn phải trả giá rất đắt ” nó rơi xuống đất như một chiếc lá lìa cành”. Với những ý nghĩ sâu sắc của tác giả, những con vật nhỏ bé này cũng có tâm trạng giống con người, làm tô đậm thêm bài học nhân sinh con người. Câu chuyện có hình thức như một câu chuyện ngụ ngôn phản ánh thực tế của con người hiện nay: đời sống hiện đại giúp con người có thể làm được nhiều việc hơn nhưng cũng khiến họ ảo tưởng về mình nhiều hơn và suy nghĩ , lối sống cũng thực dụng hơn. Câu chuyện cảnh tỉnh mọi người nói chung đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng đừng quá ảo tưởng về bản thân mình và không nên sống ích kỷ, toan tính. Xác định chính mình là ai và giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều hơn những thứ bạn đã cho đi.
Xin mời Bạn cùng ọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ sáu 23/3/2018 - Tuần 5 MC
Lời Chúa : Ga 10, 31-42

31Khi ấy, người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu. 32Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”33Người Do Thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. 34Đức Giêsu bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh?” 35Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ, 36thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! Vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa? 37Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”. 39Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41Nhiều Người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: “Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về điều này đều đúng”. 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu.

Trong cuộc sống hôm nay, bi kịch của thói ghen ghét vẫn còn nhan nhản khắp nơi. Khi chúng ta kết án người khác chỉ vì một lý do cỏn con lúc đó chúng ta đang hành động như những người Do Thái xưa. Biết bao cảnh chết chóc huynh đệ tương tàn, vợ chồng ly biệt, bạn bè xa cách chỉ vì sự thù hận ghen ghét. Đó là một thói xấu hằng len lỏi gặm nhấm tâm hồn chúng ta khiến chúng ta có những hành động xấu. Người ta dễ dàng sát hại nhau vì tranh giành địa vị, quyền lợi. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại thân phận mình cũng đầy những tội lỗi bất toàn và yếu đuối để cảm thông tha thứ cho người khác. Đừng vì ghen ghét mà hành động thiếu khôn ngoan, lỗi tình bác ái đối với người đồng loại. Chúng ta hay có thái độ che đậy cái xấu của mình nhưng lại thích moi móc cái xấu của người khác. Thái độ đó đi ngược với Tin Mừng, vì thế Giáo hội khôn ngoan dành cho chúng ta thời gian chay tịnh để nhìn nhận lại chính mình và có quyết tâm sửa đổi.

Tư tưởng xấu dẫn đến những hành động xấu, vì thế hãy tập nhìn người khác bằng ánh mắt của Chúa Giêsu, đối xử với người bằng trái tim rộng lượng bao dung. Hãy hướng về Chúa trong tư tưởng và ước muốn. Hãy để Chúa uốn nắn chúng ta nên người con cái Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin kết hiệp đời sống con vào hi lễ thập giá của Chúa. Xin giúp con từ bỏ những thành kiến, suy nghĩ hẹp hòi, biết ưng thuận để Chúa hiện diện và hoạt động nơi con để nhờ chúng con mà tình thương Chúa sẽ đến với muôn người.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Sẽ không bao giờ phải chết nếu...



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 8,51-59


Khi mới về nhận xứ Arc, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân. Cha Vianey đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những chất liệu: Cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ nhiều xứ đổ xô đến xứ Art nghe ngài dạy giáo lý và nhất là để xưng tội với ngài. Các linh mục đồng nghiệp đều biết trước đây cha Vianey rất tầm thường, học hành rất dốt. Nhưng vì bản tính con người hay ghen tị, vì thế khi thấy giáo dân đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình bày với Ðức Cha địa phận như sau: "Thưa Ðức Cha, cha Vianey trước đây học hành rất kém mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi phóng đại, mê tín quyến rũ, nên ào ào đến xứ Art ngày càng đông. Có thể có những nỗi khó, nên cha Vianey đã giải sai nguyên tắc thần học luân lý".
Nghe các cha nói vậy, Ðức Giám Mục cũng không khỏi lo lắng. Ngài cho gọi cha Vianey đến và trao cho Cha một số trường hợp tội khó giải, để cha về giải trên giấy tờ rồi đem nộp lại cho Tòa Giám Mục. Chỉ vài ngày sau, cha Vianey đã đem nộp cho Tòa Giám Mục những giải đáp. Các nhà chuyên môn luân lý thần học xem qua đều khen cha Vianey giải đáp đúng và có những lời khuyên rất khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục. Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xứ Art xưng tội với cha Vianey càng đông, khiến cha phải giải tội cho giáo dân từ nửa đêm.
Có một lần kia, các linh mục ở những giáo xứ bên cạnh làm tờ đơn kiện cha Vianey gửi thẳng về Tòa Giám Mục. Họ kiện cha quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với cha, làm mất trật tự mục vụ trong các giáo xứ. Một linh mục được trao trách nhiệm đem tờ đơn lên Tòa Giám Mục, cha dừng lại giáo xứ Arc để thăm cha Vianey và trao cho cha xem tờ đơn mà các linh mục khác kiện để xin Ðức Cha cấm cha không được giải tội. Ðọc tờ đơn xong, cha Vianey không tỏ chút gì giận dữ hay trách móc những anh em linh mục. Nhưng ngài bình thản lấy bút viết vào cuối tờ đơn như sau: "Việc anh em nói trong đơn rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào tờ đơn đồng tình với anh em". Rồi cha xếp tờ đơn trao lại cho cha đưa thư và cám ơn cha khách đã đến thăm để tạo cho ngài có dịp cùng ký tên vào đơn.
Ðơn được chuyển về Tòa Giám Mục, và sau khi đọc xong đơn và thấy bên dưới có cả chữ ký của cha Vianey nữa. Ðức Cha lấy làm lạ, hỏi vị linh mục cầm đơn lên. Nghe ngài giải thích xong, Ðức Cha kết luận: "Các cha xem, cha Vianey phản ứng rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ? Ngài thực sự là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem, nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền. Ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ". Cha kia về thuật lại cho các linh mục khác nghe, ai cũng ngạc nhiên nghĩ: "Ðáng lẽ cha Vianey phải giận dữ, căm thù mình mới phải. Ai ngờ lại ký tên vào đơn kiện ngài, thôi ta cứ chờ xem, theo như quyết định của Ðức Cha".
thân mến!
Các linh mục đồng nghiệp của cha Vianey đã xét đoán theo những tiêu chuẩn phàm trần tự nhiên của lý trí, cộng thêm với những tâm tình ghen tị, những xét đoán sai lầm đó càng làm cho các ngài trở nên mù quáng tinh thần nhiều hơn. Thái độ sống và xét đoán như vậy không khác gì với thái độ xét đoán mù quáng của những người Do Thái không tin Chúa, không chấp nhận những sự thật của Chúa mạc khải cho họ, như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: "Bây giờ tôi mới hiểu rõ ông bị quỉ ám".
Bạn thân mến!
Trong cuộc đối thoại với những người Do Thái, Chúa Giêsu càng muốn mạc khải cho biết thân thế của Ngài là ai? Về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài: "Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Trong cái nhìn phàm trần, ỷ lại vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình, những người Do Thái không thể nào nhìn nhận thực thể của Chúa: "Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Thật là quá lắm đối với quan điểm hiểu biết phàm trần của họ: "Ông này quả thật là bị quỉ ám". Một vị Thiên Chúa đã bị con người bôi nhọ chụp mũ. Bởi vì con người dễ dàng tin theo những sự thật khác xuôi tai hơn là sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa rất đòi hỏi, đòi buộc con người phải từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi, những mưu tính vụ lợi cho các nhân, những ganh tị, ham quyền, ham danh vọng.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắc nhở những người con tinh thần của mình như sau: "Ta là sự thật. Không phải báo chí là sự thật. Không phải đài phát thanh là sự thật. Không phải Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn không sao cả. Chấp nhận tiến lên theo hồng phúc để đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc chúng ta. Không nhượng bộ cho xác thịt, không nhượng bộ cho lười biếng, không nhượng bộ cho ích kỷ. Con không thể đổi đen ra trắng, xấu ra tốt, gian ra ngay được"....Rất ý nghĩa phải không ?Xin mời Bạn cùng đọc : 

Thứ năm 22/3/2018 - Tuần 5 MC
Lời Chúa : Ga 8,51-59

Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."Người Do-thái liền nói : "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.' Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai ?" Đức Giê-su đáp : "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ." Người Do-thái nói : "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !" Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !"Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu cho biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người, tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người Do Thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giêsu muốn vén mở. Và một lần nữa, chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết... Ông tự coi mình là ai?” Họ không thấy được cái “chết” có ý nghĩa nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng có được ý niệm gì về sự sống tâm linh, về đời sống vĩnh cửu...
Mời Bạn để cho sứ điệp Lời Chúa thấm nhập và đáy lòng bạn: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết.” Không bao giờ phải chết! Nghĩa là từ sống đi đến... sống. Chỉ có một sự sống, nhưng đổi dạng thái, đổi cấp độ mà thôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi trào lưu vô thần thực tiễn, chỉ lo tranh thủ cho cuộc sống đời này; hoặc cũng có thể bị cám dỗ bởi một lối đạo đức lệch lạc, có tính thụ động, yếm thế, chỉ bận tâm đến cuộc sống sau cái chết đến nỗi chẳng thực sự sống trước cái chết gì cả!

Lạy Chúa Giê su, xin Chúa uốn nắn tâm hồn chúng con, để chúng con trở nên mềm mại, ngoan ngoãn đón nhận lời Chúa - Lời Chúa là ánh sáng soi chiếu cho cuộc đời chúng con. Ðược lời Chúa hướng dẫn, chúng con bảo đảm đạt tới nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Chấp nhận sự thật, khó thế sao ?

Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 8,31-42

Đau quá khắc tự buông

Có một cô gái nọ quá buồn đau vì bị người yêu phản bội, bị mất việc làm đồng nghĩa với việc cô phải lang thang ở một thành phố xa lạ trong những tháng ngày vô định không biết điều gì chờ mình ở phía trước, nơi với cô - phố thị không phải là nhà.

Đến một ngôi chùa vãn cảnh, khuôn mặt cô không giấu nổi sợ đờ đẫn vô hồn, cùng sự khổ đau trong đôi mắt. Bà sư già mời cô nhấp ngụm trà cùng trò chuyện.
Khi cô gái cầm chén lên, bà rót trà, rót đến tràn cả ra tay cô, quá nóng cô thả tay, chiếc chén rơi xuống đất. Sư bà nói với cô bằng một giọng điệu chậm rãi, khoan dung: "Đau quá thì cũng phải buông thôi con".
Ly trà nóng và câu nói kia khiến cô gái như tỉnh ngộ. Cuộc tình đã thành quá khứ, anh người yêu cũng chỉ còn là những nghĩ suy về có khứ, không còn tồn tại.
Nhưng cô vẫn đau lòng là bởi cô cứ cầm mãi ly trà nóng, mặc cho nước rót bỏng tay. Đã đến lúc phải buông để tự giải thoát cho chính mình.

Và sư bà bắt đầu nói về vẻ đẹp của khổ đau.
Hai vẻ đẹp của khổ đau

Khi cuộc sống còn đang thuận lợi, đôi khi con sẽ chủ quan hoặc kiêu ngạo, nghĩ rằng mình rất tốt mà dẫn đến những hành xử sai lầm, hoặc không còn động lực cố gắng nữa. Nhưng phải chăng gặp cảnh khổ là một khoảng lặng để tự nhìn lại mình, xem xét lại con đường đã đi qua?
Khổ đau giúp người ta nhận ra sự thật, đó là: "Mình bị đau khổ là bởi mình đã từng gây ra đau khổ cho người khác, loài khác, về thân mạng, sức khỏe hoặc tinh thần".
Tục ngữ Việt Nam có câu: "gieo gió gặt bão", "gieo nhân nào gặt quả ấy", nếu chưa từng gieo nhân gây đau khổ thì chắc chắc không thể có ngày hôm nay.
Mọi sự trên đời đều tuân theo luật nhân quả, không phải người đàn ông ấy, vị sếp ấy cố tình đến, cố tình xuất hiện với mục đích làm con khổ đau. Nếu hiểu được như vậy, con sẽ không thấy bất công, vô lý.
Chấp nhận thực tại như nó vốn là, đó là vẻ đẹp đầu tiên của khổ đau.

Khi con gặp đau khổ, ngay lập tức con sẽ nghĩ đó là do người khác gây ra cho con, nếu con không sửa suy nghĩ đó bằng trí tuệ về nhân quả, cả cuộc đời con sẽ luôn là nạn nhân của một ai đó.
Nhưng, nếu hiểu mình cần nhận được bài học về cảm giác đau khổ là như thế nào, nó đến từ chính mình chứ không đến từ ai, thì con sẽ là chủ nhân của cuộc đời con, con có thể vẽ đời mình theo cách mà con muốn. Nếu vậy thì đau khổ không phải rất đẹp sao?

Không còn đổ lỗi cho người khác, đó là vẻ đẹp thứ hai mà cảnh khổ mang lại cho chúng ta.
Nếu đường đời cứ mãi bằng phẳng, ví như công việc cứ tốt lên mãi, thì con có bao giờ nghĩ sẽ phải cố gắng cải thiện mình nhiều hơn? Nếu không bị đuổi việc, có lẽ mọi thứ sẽ dậm chân tại chỗ? Hoặc giả sử người thương cứ ở bên mình mãi, thì mình có khoảng trống để tự vấn lòng, rằng mình đã đủ từ bi hỷ xả với người ấy hay chưa?
      Cho nên khoảng thời gian này chính là lúc con tự nhìn lại bản thân, và cũng sẽ là động lực giúp con cố gắng hơn cho những ngày đang tới. Đó chính là món quà thứ ba mà đau khổ mang lại cho con.
"Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau… Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng, để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa", cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết như thế trong một bài tự sự mang tên "Nỗi lòng của tên tuyệt vọng".

Khi đi đến tận cùng của khổ đau mà nhìn nhận lại, cái tôi trở nên yếu dần đi và nó không còn muốn kháng cự lại nhân quả, kháng cự lại hiện tại nữa. Và từ đó, bản tính chấp nhận hiện ra, để thấy rằng cuộc đời này mọi thứ xảy đến đều đẹp, đẹp như một bông hoa.

Chúa Giê su đã đương đầu đón nhận những lời sỉ vả, chê bai việc làm và sự hiện hữu của Ngài, bất chấp những rủi ro rình rập, và cái chết mà người Do Thái cố tình giăng bẫy để bắt Người ! Nhưng Chúa Giê su vẫn một lòng nói lên sự thật, Vẫn thiết tha kêu gọi họ bỏ đường tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa. Xin mời Bạn cùng đọc Lời Chúa sau đây :

Thứ tư 21/3/2018 - Tuần 5 MC
Lời Chúa : Ga 8,31-42

(31) Vậy, Ðức Giêsu nói với những người Dothái đã tin Người:"Nếu các ông ở lại trong lời của tôi,
thì các ông thật là môn đệ tôi; (32) các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông".(33) Họ đáp: "Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?" (34) Ðức Giêsu trả lời:"Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội.(35) Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. (37) Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. (38) Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói". (39) Họ đáp: "Cha chúng tôi là ông Ápraham". Ðức Giêsu nói: "Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. (40) Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Ðiều đó, ông Ápraham đã không làm. (41) Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm". Họ mới nói: "Chúng tôi đâu phải là con hoang. chúng tôi chỉ có một Cha: đó là Thiên Chúa!" (42) Ðức Giêsu bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.

Nhiều người quan niệm tự do là phóng túng, muốn làm gì thì làm. Người không thể kiềm chế lòng tham lam, tính nóng giận của mình, là mất làm chủ bản thân, và trên thực tế, họ đang nô lệ cho lòng tham và tính nóng giận đó. Kinh nghiệm của những người nghiện xì ke ma túy cho thấy họ càng lúc càng trở nên nô lệ cho chất bột trắng này thế nào. Họ tưởng mình đang tự do trong khi họ càng ngày càng trở thành nô lệ. Chúa Giê-su bị bắt, bị sỉ nhục, chịu treo trên thập giá và chịu chết, nhưng Ngài hoàn toàn tự do: Ngài chấp nhận cuộc khổ nạn một cách tự nguyện vì yêu mến. Tự do của Ngài là tự do tuân hành thánh ý Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con luôn tin nhận Ngài, sống theo lời Ngài và làm Con Thiên Chúa, không bao giờ sống theo ma quỷ, thế gian, xác thịt, phản nghịch với Chúa, để làm sáng danh Chúa và được hạnh phúc đời đời trong nhà Chúa là Cha chúng con.