Cảm thông giữa hai vợ chồng
Vợ chồng dù yêu nhau đến đâu mà thiếu sự cảm thông cho những thiếu sót và khuyết điểm thì khó mà có được 1 gia đình bền vững.
Vợ chồng dù yêu nhau đến đâu mà thiếu sự cảm thông cho những thiếu sót và khuyết điểm thì khó mà có được 1 gia đình bền vững.
“Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét.
Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than.
Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không. Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
“Em à, anh thích bánh mì cháy mà.
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”
Rồi ông nói tiếp:
“Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn. Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác. Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khóa quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”
Cảm thông là một nghĩa cử cao đẹp nhất, cảm thông có sức làm nhẹ gánh nặng đang đè nặng trong tâm hồn của một người nào đó, thậm chí nó còn mang lại niềm vui, niềm an ủi vô bờ có sức phá tan bệnh tật, xóa bỏ hận thù, tăng thêm sức mạnh cho người cô đơn, làm ấm lại trái tim đang băng giá...Xin mời Bạn cùng đọc nghĩa cử cao đẹp ấy trong đoạn Lời Chúa sau đây :
Thứ ba 13/3/2018 - Tuần 4 MC
Lời Chúa: Ga 5, 1-16
1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do Thái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. 2 Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hípri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. 3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó, chờ cho nước động. 4 vì thỉnh thoảng có thiên thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: "Anh có muốn khỏi bệnh không?" 7 Bệnh nhân đáp: "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!" 8 Đức Giêsu bảo: "Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!" 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được. Hôm đó lại là ngày Sabát. 10 Người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: "Hôm nay là ngày Sabát, anh không được phép vác chõng!" 11 Nhưng anh đáp: "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: "Anh hãy vác chõng mà đi!" 12 Họ hỏi anh: "Ai là người đã bảo anh: "Vác chõng mà đi?" 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giêsu gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!" 15 Anh ta đi nói với người Do Thái: Đức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày Sabát.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, nếu chúng ta đặt mình vào vai bệnh nhân ba mươi tám năm, chúng ta mới cảm thấy những người hạch hỏi anh thật độc ác. Tại sao họ không thông cảm với anh khi anh bị khổ suốt ba mươi tám năm dài? Ðúng lý ra, họ phải vui mừng với anh, vì ngày hôm nay anh đã được giải phóng khỏi tình trạng khốn nạn. Ðúng lý ra, họ phải cùng với anh tôn vinh tạ ơn Vị đã cứu giúp anh mới phải. Tại sao họ lại bắt bẻ Ngài? Ngài và họ, ai là người thương yêu anh đích thực? Ngài và họ, ai là người đi trong đường lối của Thiên Chúa?
Việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabát là một trong những nguyên nhân khiến cho người Do Thái tức tối. Họ chống đối Chúa ra mặt. Thậm chí còn muốn trừ khử Ngài cho rảnh mắt.
Hôm nay chúng ta đặc biệt lưu ý đến thái độ của người Do Thái và thái độ của Chúa Giêsu. Nhìn vào thái độ của người Do Thái, chúng ta hãy xét mình xem chúng ta có quá cứng nhắc trong các nguyên tắc, các luật lệ, đến độ vô cảm trước những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh hay không, chúng ta có lên án những người vì phục vụ lợi ích của anh chị em đồng loại mà làm những việc có vẻ như bất chấp luật lệ hay không. Phản ứng nông cạn của những người Do Thái trong bài đọc trên đây là một lời nhắc nhở để chúng ta nhớ lại cung cách sống của mình trong các tương quan với kẻ khác. Chúng ta đừng để mình rơi vào trường hợp đáng buồn như những người Do Thái.
Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể xét mình theo thái độ của mình đối với anh chị em. Chung quanh chúng ta không bao giờ thiếu những người bất hạnh. Họ đau khổ trước nỗi bất hạnh của mình và chờ mong một ai đó chia sẻ nỗi khổ với họ. Con tim chúng ta có đủ can đảm để nhận ra tình cảnh khốn khổ của anh chị em mình hay không? Lời và việc làm của chúng ta có mang theo đủ tình thương để xoa dịu nỗi đau khổ của họ hay không? Chúng ta có đủ can đảm và quảng đại vượt qua những trở ngại bên ngoài để giúp đỡ người ấy ra khỏi tình cảnh khốn khó của họ hay không? Hình ảnh Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta can đảm dấn thân chia sẻ nỗi đau khổ với anh chị em chung quanh.
Lạy Chúa, xin cho con học được những bài học thiết thực khi suy niệm bài Tin Mừng của ngày hôm nay. Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét