Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

YÊU...phải làm gì ?


Kết quả hình ảnh cho Lời Chúa : Ga 13, 1-15


Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về vụ một nữ sinh ở trường THPT Trần Nhân Tông – Hà Nội bị bạn học đánh đập và lột áo giữa thanh thiên bạch nhật mà không một ai đoái hoài. Tất cả những ai còn có chút lương tâm đều tự nghĩ: Sự vô cảm của người Việt đã đến mức báo động. Ai cũng chỉ còn nghĩ đến bản thân mình mà thôi, còn người khác sống chết mặc họ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những tấm lòng rộng như biển, cao như núi. Trong vụ án xét xử người tài xế cố tình cán chết chị Nguyễn Thị Hội 20 tuổi những ngày qua, có một việc, làm cho tất cả mọi người phải ngõ ngàng đó là khi tòa án hỏi ý kiến người bà của chị Hội – 80 tuổi bà nghĩ sao?. Bà trả lời : “Thôi đằng nào cháu tôi cũng chết rồi, xin tòa giảm nhẹ án cho anh ta”. Cả khán phòng im lặng hướng về cụ bà trong ngỡ ngàng và thán phục. Họ không ngờ rằng giữa nỗi đau mất mát đến tột cùng do sự tàn ác của người khác gây nên vậy mà bà cụ 80 tuổi vẫn nói lên được lời tha thứ đến lạ lùng.
Vâng,
Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh đẩy lùi bóng tối của sự dữ.
Chỉ có tình yêu mới làm tan cõi lòng băng giá của con người.
Chỉ có tình yêu mới làn cho mọi sự trở nên tốt đẹp trong cuộc đời này.

Và đó là điều mà Thầy Giêsu muốn nhắn gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Xin mượn những dòng thơ sau để khép lại bài chia sẻ hôm nay như một gợi mở cho những ngày sống sắp tới :

Tôi xin mọi điều để tận hưởng cuộc sống
Người lại ban cuộc sống để tôi tận hưởng mọi điều. Vậy:
Nếu đã từng tổn thương, Hãy can đảm hàn gắn
Nếu đã từng gục ngã, hãy can đảm đứng lên
Nếu đã từng phải khóc, hãy trải hết lòng mình
Nếu đã từng được cười, hãy trân trọng niềm vui
Nếu đã từng yêu thương, hãy từ bỏ hận thù
Nếu đã từng ân oán, hãy rộng lòng tha thứ
Nếu đã từng được nhận, hãy tìm cách sẻ chia
Nếu đã từng được sống, hãy trân trọng cuộc đời.

Thứ Năm Tuần  Thánh 29/3/2018
Lời Chúa : Ga 13, 1-15

(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (2) Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4) nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. (6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?" (7)Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa". (10) Ðức Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11) Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều sạch".
(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.
Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như Thầy Giêsu.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc Rửa chân và lập Bí tích Thánh Thể.
Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.
Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần lễ Vượt Qua.
Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ,
Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy lễ hiến dâng đời mình.
Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.
Rửa chân đòi Thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.
Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ Thầy làm cho trò.
Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.
Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.
Trong bí tích này, tấm bánh trở nên Mình Thầy bị bẻ ra và trao đi.
Rượu trở nên Máu Thầy, Máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, độc đáo và đặc thù Đó là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em là dấu chứng thuộc về Chúa Giêsu.
Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với tha nhân là chính tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa là tình yêu trao ban, là tình yêu dâng hiến.
        Cuộc sống và cái chết của Đấng bị đóng đinh thập giá để nói lên tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người. Một Thiên Chúa đầy lòng nhân ái, đầy tình thứ tha đối với hết mọi người không trừ ai. Tình yêu thương vô bờ bến đó phải là mẫu mực để chúng ta noi theo.

Tâm tình :
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy rửa chân cho các môn đệ chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy chúng con một bài học rất ấn tượng khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn, khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,
thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Không có nhận xét nào: