Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Sẽ không bao giờ phải chết nếu...



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Ga 8,51-59


Khi mới về nhận xứ Arc, một xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân. Cha Vianey đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những chất liệu: Cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ nhiều xứ đổ xô đến xứ Art nghe ngài dạy giáo lý và nhất là để xưng tội với ngài. Các linh mục đồng nghiệp đều biết trước đây cha Vianey rất tầm thường, học hành rất dốt. Nhưng vì bản tính con người hay ghen tị, vì thế khi thấy giáo dân đổ xô đến xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình bày với Ðức Cha địa phận như sau: "Thưa Ðức Cha, cha Vianey trước đây học hành rất kém mà nay lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi phóng đại, mê tín quyến rũ, nên ào ào đến xứ Art ngày càng đông. Có thể có những nỗi khó, nên cha Vianey đã giải sai nguyên tắc thần học luân lý".
Nghe các cha nói vậy, Ðức Giám Mục cũng không khỏi lo lắng. Ngài cho gọi cha Vianey đến và trao cho Cha một số trường hợp tội khó giải, để cha về giải trên giấy tờ rồi đem nộp lại cho Tòa Giám Mục. Chỉ vài ngày sau, cha Vianey đã đem nộp cho Tòa Giám Mục những giải đáp. Các nhà chuyên môn luân lý thần học xem qua đều khen cha Vianey giải đáp đúng và có những lời khuyên rất khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục. Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xứ Art xưng tội với cha Vianey càng đông, khiến cha phải giải tội cho giáo dân từ nửa đêm.
Có một lần kia, các linh mục ở những giáo xứ bên cạnh làm tờ đơn kiện cha Vianey gửi thẳng về Tòa Giám Mục. Họ kiện cha quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với cha, làm mất trật tự mục vụ trong các giáo xứ. Một linh mục được trao trách nhiệm đem tờ đơn lên Tòa Giám Mục, cha dừng lại giáo xứ Arc để thăm cha Vianey và trao cho cha xem tờ đơn mà các linh mục khác kiện để xin Ðức Cha cấm cha không được giải tội. Ðọc tờ đơn xong, cha Vianey không tỏ chút gì giận dữ hay trách móc những anh em linh mục. Nhưng ngài bình thản lấy bút viết vào cuối tờ đơn như sau: "Việc anh em nói trong đơn rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào tờ đơn đồng tình với anh em". Rồi cha xếp tờ đơn trao lại cho cha đưa thư và cám ơn cha khách đã đến thăm để tạo cho ngài có dịp cùng ký tên vào đơn.
Ðơn được chuyển về Tòa Giám Mục, và sau khi đọc xong đơn và thấy bên dưới có cả chữ ký của cha Vianey nữa. Ðức Cha lấy làm lạ, hỏi vị linh mục cầm đơn lên. Nghe ngài giải thích xong, Ðức Cha kết luận: "Các cha xem, cha Vianey phản ứng rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự kiện mình bao giờ? Ngài thực sự là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem, nếu là việc Chúa thì sẽ vững bền. Ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng sụp đổ". Cha kia về thuật lại cho các linh mục khác nghe, ai cũng ngạc nhiên nghĩ: "Ðáng lẽ cha Vianey phải giận dữ, căm thù mình mới phải. Ai ngờ lại ký tên vào đơn kiện ngài, thôi ta cứ chờ xem, theo như quyết định của Ðức Cha".
thân mến!
Các linh mục đồng nghiệp của cha Vianey đã xét đoán theo những tiêu chuẩn phàm trần tự nhiên của lý trí, cộng thêm với những tâm tình ghen tị, những xét đoán sai lầm đó càng làm cho các ngài trở nên mù quáng tinh thần nhiều hơn. Thái độ sống và xét đoán như vậy không khác gì với thái độ xét đoán mù quáng của những người Do Thái không tin Chúa, không chấp nhận những sự thật của Chúa mạc khải cho họ, như bài Tin Mừng hôm nay thuật lại: "Bây giờ tôi mới hiểu rõ ông bị quỉ ám".
Bạn thân mến!
Trong cuộc đối thoại với những người Do Thái, Chúa Giêsu càng muốn mạc khải cho biết thân thế của Ngài là ai? Về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài: "Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Trong cái nhìn phàm trần, ỷ lại vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình, những người Do Thái không thể nào nhìn nhận thực thể của Chúa: "Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?" Thật là quá lắm đối với quan điểm hiểu biết phàm trần của họ: "Ông này quả thật là bị quỉ ám". Một vị Thiên Chúa đã bị con người bôi nhọ chụp mũ. Bởi vì con người dễ dàng tin theo những sự thật khác xuôi tai hơn là sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa rất đòi hỏi, đòi buộc con người phải từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi, những mưu tính vụ lợi cho các nhân, những ganh tị, ham quyền, ham danh vọng.

Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắc nhở những người con tinh thần của mình như sau: "Ta là sự thật. Không phải báo chí là sự thật. Không phải đài phát thanh là sự thật. Không phải Tivi là sự thật. Con theo loại sự thật nào? Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn không sao cả. Chấp nhận tiến lên theo hồng phúc để đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu chuộc chúng ta. Không nhượng bộ cho xác thịt, không nhượng bộ cho lười biếng, không nhượng bộ cho ích kỷ. Con không thể đổi đen ra trắng, xấu ra tốt, gian ra ngay được"....Rất ý nghĩa phải không ?Xin mời Bạn cùng đọc : 

Thứ năm 22/3/2018 - Tuần 5 MC
Lời Chúa : Ga 8,51-59

Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết."Người Do-thái liền nói : "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.' Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai ?" Đức Giê-su đáp : "Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ." Người Do-thái nói : "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !" Đức Giê-su đáp : "Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !"Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu cho biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người, tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người Do Thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giêsu muốn vén mở. Và một lần nữa, chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết... Ông tự coi mình là ai?” Họ không thấy được cái “chết” có ý nghĩa nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng có được ý niệm gì về sự sống tâm linh, về đời sống vĩnh cửu...
Mời Bạn để cho sứ điệp Lời Chúa thấm nhập và đáy lòng bạn: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết.” Không bao giờ phải chết! Nghĩa là từ sống đi đến... sống. Chỉ có một sự sống, nhưng đổi dạng thái, đổi cấp độ mà thôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi trào lưu vô thần thực tiễn, chỉ lo tranh thủ cho cuộc sống đời này; hoặc cũng có thể bị cám dỗ bởi một lối đạo đức lệch lạc, có tính thụ động, yếm thế, chỉ bận tâm đến cuộc sống sau cái chết đến nỗi chẳng thực sự sống trước cái chết gì cả!

Lạy Chúa Giê su, xin Chúa uốn nắn tâm hồn chúng con, để chúng con trở nên mềm mại, ngoan ngoãn đón nhận lời Chúa - Lời Chúa là ánh sáng soi chiếu cho cuộc đời chúng con. Ðược lời Chúa hướng dẫn, chúng con bảo đảm đạt tới nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.

Không có nhận xét nào: