Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

Tin vào Đấng đã sống và đang sống


Hình ảnh có liên quan



LỄ PHỤC SINH ĐÃ TIÊU DIỆT CHỦ NGHĨA VÔ THẦN CỦA TÔI NHƯ THẾ NÀO

Lời chứng của Lee Strobel, cựu biên tập viên từng đoạt giải thưởng của The Chicago Tribune, là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách New York Times best-selling và phục vụ với vai trò Giáo sư tại Đại học Houston Baptist về việc nghiên cứu nghiêm túc sự kiện Chúa Giê-su phục sinh đã khiến ông rời bỏ chủ nghĩa vô thần và trở thành một Ki-tô hữu.
        Tin tệ nhất mà tôi, một người vô thần, nhận được đó là: vợ của tôi, trước đó từng nghi ngờ sự tồn tại của Chúa, nay đã quyết định trở thành Ki-tô hữu. Lúc đó có hai từ xuất hiện ngay trong đầu tôi. Đầu tiên là một từ cảm thán, và thứ hai là “ly hôn”.
         Tôi nghĩ vợ tôi sẽ trở thành một người cuồng tín luôn tự cho mình là đúng. Nhưng nhiều tháng sau, tôi phải ngạc nhiên trước sự thay đổi tích cực của cô ấy trong tính cách và đạo đức. Cuối cùng, tôi quyết định tìm kiếm, học hỏi (tôi là biên tập viên chính thức của báo Chicago) và nghiên cứu một cách có hệ thống để xem Cơ Đốc giáo liệu có đáng tin không. Nghĩ rằng tôi có thể giải thoát vợ tôi khỏi sự sùng bái này.
         Tôi nhanh chóng xác định sự Phục Sinh của Chúa Giê-su chính là điểm then chốt. Ai cũng có thể xưng mình là thần, nhưng nếu Chúa Giê-su dùng sự sống lại để chứng minh lời tuyên bố của Ngài, thì đó chính là bằng chứng có lợi vô cùng cho những gì Ngài nói.
         Trong gần hai năm, tôi khám phá ra một chi tiết nhỏ trong tư liệu lịch sử chứng minh sự Phục Sinh là một huyền thoại hay là sự kiện có thật. Tôi không chỉ mặc nhiên thừa nhận Tân Ước, tôi phải xác định lại xem các sự kiện trong đó có đúng với lịch sử không. Khi tôi thực hiện nghiên cứu, chủ nghĩa vô thần của tôi bắt đầu sụp đổ.

Chúa Giê-xu có thật sự bị hành hình không? Chứng cứ cho điều đó rõ ràng tới mức nhà sử học vô thần Gerd Lüdemann cũng phải nói rằng sự kiện Chúa bị đóng đinh là “không thể chối cãi”.

Sự Phục Sinh có phải là huyền thoại không? Không hề, dù chỉ là cơ may. A. N. Sherwin-White, học giả ngành sử học cổ đại người Anh thuộc đại học Oxford nói rằng phải mất đến hơn hai thế hệ trong thế giới cổ đại để một truyền thuyết hình thành và loại bỏ tính vững vàng của sự thật lịch sử. Nhưng chúng ta có các ghi chép về sự phục sinh – Chúa Giê-su hiện ra trước sự chứng kiến của các cá nhân và nhóm người cụ thể – trong khoảng thời gian rất ngắn sau khi Chúa Giê-su chịu chết.

Có phải mộ của Chúa Giê-su trống không? Học giả William Lane Craig chỉ ra địa điểm của ngôi mộ mà cả Ki-tô hữu và người ngoại đều biết. Vì vậy, nếu ngôi mộ không trống, thì rất có thể sẽ không có một phong trào được hình thành dựa trên Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, điều mà đã bùng nổ thành hiện thực tại chính nơi mà Ngài đã bị hành quyết một cách công khai chỉ một vài tuần trước đó.

Hơn nữa, những người chống đối Chúa Giê-su cũng phải thừa nhận ngôi mộ trống và họ tuyên bố xác của Ngài bị đánh cắp. Nhưng không ai có động cơ để đánh cắp xác Ngài, đặc biệt là các môn đồ. Chúng ta có bảy nguồn tư liệu cổ đại cho thấy họ sẵn lòng chịu hậu quả, tức là chịu chết và khổ nạn khi họ tuyên xưng Chúa Giê-su đã sống lại. Có vẻ như họ sẽ không sẵn lòng chịu như vậỵ nếu biết rõ mình đang lan truyền một điều dối trá.

Còn ai nữa thấy Chúa Giê-su sống lại không? Cả bên trong lẫn bên ngoài Tân Ước, chúng ta có chín nguồn tư liệu cổ đại khẳng định sự xác quyết của các môn đồ rằng người ta đã gặp Chúa Giê-su sau khi Ngài phục sinh. Một lần nữa, những nguồn tư liệu này đã chứng minh rất rõ ràng dù tôi cố gắng không tin.

Những cuộc gặp gỡ đó có phải là ảo giác không? Không thể nào, các chuyên gia cho biết như vậy. Ảo giác xảy ra trong bộ não của cá nhân từng người, giống như giấc mơ, nhưng Chúa Giê-su hiện ra với các nhóm người trong ba trường hợp khác nhau – trong đó bao gồm 500 người nhìn thấy Ngài cùng một lúc!

Đó có phải là khải tượng được hình thành bởi nỗi đau của các môn đồ khi người lãnh đạo của họ bị hành hình không? Điều này sẽ không giải thích được sự cải đạo mạnh mẽ của Sau-lơ, người chống nghịch các Ki-tô hữu, hay Gia-cơ, người em của Chúa Giê-su từng hoài nghi Ngài. Mỗi một người từng thấy Chúa Giê-su phục sinh, sau này họ đều chết như một lãnh đạo của Hội Thánh. Bên cạnh đó, nếu đây là những khải tượng, thì xác Chúa vẫn sẽ còn ở trong mộ.

Sự sống lại có phải chỉ là thần thoại cổ đại được viết lại giống như những câu chuyện tưởng tượng về Osiris hay Mithras không? Nếu bạn muốn thấy một sử gia cười phá lên, thì hãy trình bày kiểu văn hóa đại chúng vô nghĩa này.

Từng bước một, sự chống đối của tôi tan biến. Tôi đọc sách được viết bởi những người theo chủ nghĩa hoài nghi, nhưng vô số biện luận của họ sụp đổ dưới sức nặng của các dữ liệu lịch sử. Rõ ràng là những người vô thần thường nói rất ít trong các cuộc tranh luận học thuật về sự sống lại.

Cuối cùng, sau khi nghiên cứu toàn bộ vấn đề đó, tôi đã có một kết luận không ngờ: tôi thực sự phải có nhiều niềm tin để giữ vững chủ nghĩa vô thần của mình hơn là để trở thành một người theo Chúa Giê-su.

Và đó là lý do vì sao hiện giờ tôi đang kỉ niệm Lễ Phục Sinh lần thứ 34 với tư cách là một Ki-tô hữu. Không phải do tôi mơ tưởng hay sợ chết hay cần một chỗ dựa tâm lý – nhưng đức tin của tôi được dựa trên những sự kiện có thật.
Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ năm 05/4/2018 - Tuần Bát nhật PS
Lời Chúa : Lc 24, 35-48

(35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (36) Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: "Bình an cho anh em!" (37) Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. (38) Nhưng Người nói: "Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? (39) Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?" (40) Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (41) Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: "Ở đây anh em có gì ăn không?" (42) Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. (43) Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. (44) Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại,(47) và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này.

Suy niệm :
1. Đức Kitô chết trên thập giá đã thật sự sống lại, bằng xương bằng thịt. Sự kinh hồn bạt vía và ngờ vực của các tông đồ lại hữu ích cho chúng ta: chính thái độ khó tin đó của các ông lại là một đảm bảo cho tính vững chắc của đức tin chúng ta. Đức tin của chúng ta không dựa trên chứng tá của những con người dễ tin, dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Đức tin của chúng ta dựa trên những con người thực tế, đòi hỏi những dấu chỉ và bằng chứng. Chứng tá của các ông càng mạnh mẽ do chỗ là chứng tá không phải của một thái độ dễ tin theo chuyện mê tín nhưng là một sự cứng tin đã thắng vượt nhờ óc phê bình.

2. Nhiều người đương thời chúng ta vẫn coi Đức Giêsu Phục Sinh chỉ là một bóng ma, một thứ gì đó thay vì là một Đấng, là một huyền thoại thay vì là một Con Người đang sống. Theo họ, Đức Kitô cùng lắm chỉ là một điển hình cho nhân loại, cống hiến cho mọi người một giáo lý và những gương sống đáng phục…, nhưng bây giờ Người không còn sống nữa, Người chẳng “ngự bên hữu Chúa Cha” trên trời, cũng chẳng hiện diện trong hình bánh hình rượu đã truyền phép… Trách nhiệm của các Kitô hữu là làm chứng bằng đời sống và lời nói rằng Người thật sự vẫn là Người Sống.

3. Vấn đề không phải là chuyện nhạy cảm hoặc kinh nghiệm cá nhân chủ quan. Vấn đề là tin, tin tất cả những gì Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta bằng Kinh Thánh và bằng Thánh Truyền. Vấn đề là tin những gì Hội Thánh đã và đang dạy khắp nơi. Tin vào Đấng Phục sinh, là chấp nhận chứng từ của một nhóm đông đảo gồm các tông đồ và các môn đệ của Đức Giêsu đang khẳng định trước mặt thế giới và sẵn sàng chấp nhận tử đạo rằng họ đã thấy Thầy họ chết trên thập giá nhưng đã trở lại với cuộc sống trong một thân xác hiển vinh không còn lệ thuộc các hoàn cảnh thông thường của thời gian và không gian nữa.

4. Đức tin có thể gặp nhiều vấn nạn, nhiều trở ngại, do chẳng hạn có những Kitô hữu, vì hèn nhát, đang sống ích kỷ hơn, sống hà tiện hơn, kiêu ngạo hơn, trơ trẽn hơn một số người ngoại giáo. Nhưng tất cả chúng ta biết rằng Đức Kitô Phục Sinh muốn họ hoán cải: Người muốn tha thứ tất cả và biến họ trở thành tông đồ của Người, và điều này không bao giờ là quá trễ, nhằm nối tiếp các Tông Đồ đầu tiên.


Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin loại bỏ trong chúng con nỗi sợ hãi hoang mang. Xin ban bình an của Ngài cho chúng con. Chúng con còn tham lam ích kỷ, thích hưởng thụ an nhàn, nên chúng con đã cấu xé lẫn nhau, tranh giành nhau, làm khổ cho nhau. Xin cho chúng con đừng sợ bị thua thiệt, nhưng giúp chúng con đủ cao thượng để hy sinh nhường nhịn kẻ khác. Xin cho chúng con đừng sợ lỗ lã mất mát nhưng giúp chúng con dũng cảm giữ đức công bằng. Xin cho chúng con đừng sợ khổ, nhưng biết đón nhận thập giá mình mỗi ngày mà theo chân Chúa,

Không có nhận xét nào: