Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Tuyệt vọng



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Lc 24,13-35

Mạnh Kim


Một buổi chiều, tôi hộc tốc chở vợ và con trai ra phòng khám tư. Thằng bé, lúc ấy 4 tuổi, đang bị sốt rất cao. Sau khi vạch kẽ tay và chân thằng bé, ông bác sĩ tư yêu cầu: lập tức chở con vào Nhi Đồng 2. Đó là thời điểm dịch tay-chân-miệng bùng phát. Hoảng hốt và lo sợ, tôi vội vã chở vợ con lên bệnh viện. Giữa đường trời mưa tôi vẫn cắm đầu cắm cổ phóng xe. Tôi chẳng nghĩ gì khác ngoài chuyện phải đến bệnh viện thật nhanh. Đây là lần đầu tiên tôi đưa con vào bệnh viện công. Đến nơi khoảng 6g chiều, tôi ẵm con vào phòng cấp cứu.
Nhân viên bệnh viện không cho vào. Họ bảo phải đăng ký nhập viện đã, dù tôi nài nỉ thằng bé sốt cao và trong tình trạng nguy hiểm. Tôi hối hả ẵm con chạy ra, hỏi thăm phòng đăng ký. Xếp hàng và làm xong thủ tục đã mất chừng một tiếng. Tiếp đó, chúng tôi tiếp tục xếp hàng để được khám. Bác sĩ chỉ định phải thử máu. Tôi lại ẵm con xếp hàng chờ vào phòng xét nghiệm. Cảm giác rối bời và lo lắng tột độ lúc ấy vẫn không thể so với cảm giác tức giận trước loạt thủ tục rườm rà. Ở đây chẳng có gì “khẩn cấp” cả, kể cả đối với trường hợp cấp cứu! Phải đến 9g tối chúng tôi mới “được phép” “chính thức” nhập viện.

Đưa con lên khu nội trú, đập vào mắt tôi là một cảnh tượng hỗn loạn. Chạy dọc chạy ngang khắp hành lang đầy nghẹt người và ầm ĩ tiếng khóc trẻ con, tôi tìm giường. Làm gì có giường trống! Tất cả giường đều có hai hoặc ba em đang nằm. Cuối cùng tôi tìm được một cái giường xếp cáu bẩn. Xung quanh tôi, người ta trải chiếu hoặc tấm nylon nằm kín hành lang. Những gương mặt lo lắng. Những bà mẹ ẵm con trong lòng vừa chườm mát vừa cố dỗ con nín. Vài đứa nhỏ tè ra sàn hành lang. Có người la ó. Dm, sao không mặc tã cho nó đi! Những ông bố ngồi phệt xuống đất bó gối chẳng nói chẳng rằng. Cạnh họ là giỏ xách, túi xốp, giỏ đệm đựng bình thủy, bình sữa, hộp cơm… Lần đầu tiên vào bệnh viện công, tôi mới tận mắt thấy sự khủng khiếp của nó như thế nào.

Thằng bé con tôi vẫn sốt hầm hập. Nó mệt đến mức gần như rất khó thở. Ruột gan tôi như muốn thiêu cháy. Da nó hình như nổi đầy chấm đốm. Tôi chạy đến bàn trực y tá. Cháu sốt cao quá, cô ạ. Cô ấy ném cho tôi vài viên Paradol. Để hạ sốt khẩn cấp, tôi ẵm cháu vào phòng vệ sinh để tắm. Tuy nhiên, phòng vệ sinh bẩn đến mức tôi phải dội ngược ra ngoài… Đến khoảng 10g30, nghe nói có kết quả xét nghiệm, tôi chạy đến phòng trả kết quả. Gặp một bác sĩ ôm xấp hồ sơ bước ra, tôi xin hỏi tình trạng thằng bé như thế nào. “Biết gì mà hỏi, đi xuống dưới kia đi!”. “Tôi phải biết con tôi bị sao chứ, tại sao tôi không được hỏi?”. “Bây giờ tôi có nói thì anh cũng có biết gì không!” – tay bác sĩ trả lời.
          Sự tức giận đè nén lên đến đỉnh điểm. Tôi yêu cầu được xuất viện lập tức. “Muốn xuất viện thì chờ đến sáng mai. Đến phòng hành chánh mà làm thủ tục. Ở đây chỉ có cấp cứu!” – tôi được trả lời như vậy. “Ở đây chỉ cấp cứu!”. Họ chẳng cấp cứu gì cả. Chưa có bất kỳ bác sĩ nào đến khám con tôi cũng như các em bé khác, kể từ khi tôi đưa cháu vào khu nội trú này. Tôi thức trắng đêm. Nằm dưới ánh đèn vàng vọt trên băng ghế đá ngoài sân bệnh viện. Tôi không hề biết con tôi bị bệnh gì. Tôi không thể biết con tôi sẽ ở đây bao lâu và chừng nào nó được điều trị. Hôm sau, từ sáng sớm, tôi xếp hàng làm thủ tục xuất viện. 10g mới xong. Tôi chở cháu đến một bệnh viện tư. Nó không bị tay-chân-miệng như ông bác sĩ tư chẩn đoán (vị này cũng là bác sĩ Nhi Đồng 2). Nó chỉ bị sưng tấy amiđan khiến sốt cao. Thật may, nếu mà virus tay-chân-miệng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với nó!
        Tôi tin chắc vô số người có những câu chuyện tương tự, thậm chí khủng khiếp hơn. Tôi không trách Nhi Đồng 2, thậm chí không muốn trách cả cái thủ tục rườm rà và sự thờ ơ của các bác sĩ trực. Vì đâu nên nông nỗi này và ai mới là kẻ chịu trách nhiệm chính gây ra sự hỗn loạn của nền y tế nước nhà trong khi bản thân “chúng” và gia đình “chúng” chẳng bao giờ “thụ hưởng” những “thành quả” khốn nạn mà chúng gây ra. Làm thế nào để chấn chỉnh bức tranh tồi tệ này? Ánh mắt những bậc cha mẹ mà tôi thấy trong bệnh viện đã cho tôi câu trả lời: một sự trông chờ trong niềm tuyệt vọng tuyệt đối!
Sự tuyệt vọng có thể làm là chán không muốn sống nữa, muốn buông xuôi mọi thứ. Tin càng nhiều thì thất vọng càng lớn.  Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :


Thứ tư 04/4/2018 - Tuần Bát nhật PS
Lời Chúa : Lc 24,13-24

Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Ðức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy?" Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

Suy niệm :
Trên con đường trở về làng quê Emmaus chiều tối hôm ấy có bước chân mỏi mệt thất vọng của hai môn đệ. Họ thất vọng vì bao năm theo Chúa Giêsu làm môn đệ, giờ đây Chúa đã chết. Đối với họ, sự nghiệp giờ đã tan thành mây khói nên họ buồn bã cất bước trở về quê nhà trên quãng đường dài khoảng 11km.
Ngay lúc đó, Chúa Phục Sinh hiện đến cùng đồng hành với họ. Ngài vừa sánh bước, vừa giải thích Kinh Thánh cho họ hiểu rằng Ngài phải trải qua đau khổ, chịu chết rồi mới phục sinh.
Và cuối đoạn đường, khi ngày đã sắp tàn, họ đã mời Chúa Phục Sinh ở lại với họ. Ngài đã ngồi vào bàn ăn, đọc lời chúc tụng trên bánh và bẻ ra trao cho hai ông. Chính lúc ấy, họ đã nhận ra Chúa Phục Sinh và họ lập tức quay trở lại báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông đồ.

Con đường đi về làng quê Emmaus năm xưa của hai môn đệ tượng trưng cho con đường lữ hành của mỗi chúng ta hôm nay. Trên con đường lữ hành của chúng ta hôm nay chắc chắn cũng sẽ có những buồn chán của thất bại, những chán chường của đổ vỡ, chia ly, những mỏi mệt của gánh nặng cơm áo gạo tiền …
Trong những đoạn trường đó, chúng ta hãy vững tin rằng Chúa Kitô Phục sinh đang đồng hành và nâng đỡ mỗi người chúng ta trong từng bước đi của cuộc sống. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi buồn, trong những thành công cũng như thất bại, trong tiếng cười cũng như nước mắt.
Ước gì chúng ta cũng biết siêng năng đến gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh trong Thánh Lễ hằng ngày để noi gương hai môn đệ năm xưa mời Chúa Phục Sinh ở lại với mình: “Xin mời Chúa ở lại với con, với gia đình con”. Lúc đó, chắn chắn Chúa sẽ hiện diện trong lòng mỗi người, và trong từng gia đình. Khi có Chúa Phục Sinh hiện diện, Ngài sẽ ban bình an, hy vọng, và sức sống của Ngài để chúng ta vượt qua mọi đau khổ, gian nan, và thất vọng.

Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su,thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa con người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra ngoài lề xã hội.
Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu chúng con là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn., Xin cho chúng con biết đối thoại trao đổi đơn sơ với những người đang chán nản, đứng bên bờ vực tuyệt vọng. Nhất là xin Chúa Giê su Phục sinh ở lại với chúng con luôn mãi, nhất là trong lúc chúng con gặp gian nguy thử thách. Amen.

Không có nhận xét nào: