Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Người Mẹ phi thường


Kết quả hình ảnh cho câu chuyện về Tình mẫu tử

Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. 
Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy. Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người.
Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo."Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?" Cô giáo của cậu hỏi.Người mẹ trả lời, "Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. 
Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi." Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. "Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm."Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.

Không có tình yêu nào vô vị lợi và chân thành hơn tình yêu của người mẹ đối với con của mình. Có biết bao câu chuyện có thật đã để lại bao nước mắt và trái tim thổn thức. Tình Mẹ bao giờ cũng can trường, bao dung và trên hết là thương con dù bất kể con là hạng người nào...Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :

Thứ bảy 15/9/2018 - Lễ Đức Mẹ sầu bi
Lời Chúa : Ga 19, 25-27

25 Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. 26 Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà." 27 Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.


Suy niệm :
Người ta thường nói: “Vinh quang của con là triều thiên của mẹ; và đau khổ của con cũng chính là đau khổ của mẹ”.Điều này thật đúng đối với cuộc đời nhiều vinh quang mà cũng lắm gian nan đau khổ của Mẹ Maria.
       Ngày 15.9 hằng năm, phụng vụ Giáo Hội mừng lễ Mẹ Sầu Bi. Chẳng phải tình cờ mà lễ này được mừng nhớ ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá (14.9). Điều này cho thấy có một sự gắn bó giữa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và cuộc đau khổ của Mẹ.
       Đức Mẹ dưới chân Thập giá được gọi là Đức Mẹ hợp công cứu chuộc, vì những đau khổ của Mẹ do kết hợp với những đau khổ của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn ơn cứu chuộc cho loài người.
 Có thứ đau khổ khiến người ta nhìn mà sợ.
Có thứ đau khổ làm cho người ta tội nghiệp.
Có thứ đau khổ làm cho người ta ngưỡng mộ.
Có thứ đau khổ đáng cho người ta kính trọng.
     Hôm nay chúng ta nhìn những đau khổ của Đức Mẹ Maria, không phải để sợ, để tội nghiệp mà để ngưỡng mộ, hơn nữa để tôn kính, vì đó là những đau khổ sinh ơn cứu rỗi cho người khác trong đó có chính chúng ta nữa.


Lạy Chúa Giêsu ,khi Chúa chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Đức Mẹ đứng kề bên mà thông phần đau khổ. Xin cho chúng con biết noi gương Đức Mẹ mà kết hợp với cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, để mai ngày chúng con cũng được phục sinh vinh hiển với Chúa.

Lạy Mẹ Maria, người môn đệ đứng cùng Mẹ dưới chân Thánh giá là chính con. Kể từ hôm nay, con muốn rước Mẹ về ngôi nhà của lòng con và của cuộc đời con, để Mẹ cùng sống với con trong những lúc vui cũng như những lúc buồn, nhất là những lúc buồn; những khi sung sướng và nhất là những khi đau khổ, để Mẹ dạy con biết cách chịu đau khổ thế nào để những khổ đau ấy trở thành nguồn ơn cứu rỗi cho con và cho anh chị em con. Amen.

Không có nhận xét nào: