Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Suy tôn một tình yêu vĩ đại


Kết quả hình ảnh cho Suy niệm tin mừng Ga 3,13-17


Đỉnh yêu thương (Xin Bấm vào chữ Đỉnh yêu thương  để nghe nhạc )
Chẳng dễ đâu Chúa ơi! Con đường lên đồi Gongotha. 
Chẳng dễ đâu Chúa ơi! Cho con hiểu Thánh Giá là hồng ân. 
Chẳng dễ đâu Chúa ơi! Khi đáp tiếng xin vâng giữa chợ đợi. 
Giữa tính toán bon chen chào mời, giữa lo lắng áo cơm hằng ngày, giữa chọn lựa được thua mất còn 
Chọn mến thương thứ tha, con chuốc vào hy sinh mất mát. 
Chọn chấp nhất ghét ghen, con buông mình thỏa mãn bản năng. 
Đời sao mãi đắn đo, giữa chọn lựa nhận hay chối từ. 
Giữa khép kín hay mở rộng tấm lòng, giữa tầm thường và đỉnh cao yêu thương 

Đk: 
Xin bên con Xin bên con Xin bên con Chúa ơi! Lúc lương tâm con đắn đo ngại ngần. 
Nâng đỡ con nâng đỡ con nâng đỡ con Chúa ơi! Khi con đang vấp ngã thoái lui. 
Dìu con lên dìu con lên dìu con lên Đỉnh Yêu Thương chất ngất. 
Cho con say một lần để con yêu thật nhiều, thập giá ân tình của Cha 

Chọn mến thương thứ tha, con chuốc vào hy sinh mất mát. 
Chọn chấp nhất ghét ghen, con buông mình thỏa mãn bản năng. 
Đời sao mãi đắn đo, giữa chọn lựa nhận hay chối từ. 
Giữa khép kín hay mở rộng tấm lòng, giữa tầm thường và đỉnh cao yêu thương 



Nhà Thờ Mồ kính các vị Tử đạo Bà Rịa nằm trên đường Huỳnh Tấn Phát, Phường Phước Hiệp, Tp Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay, chính ngay trên mảnh đất này, vào năm 1861, trong cuộc bách hại Kitô giáo dưới triều vua Tự Đức, một nhà ngục đã được dựng lên để giam giữ các tín hữu trong cuộc truy lùng các giáo dân vùng Bà Rịa, gồm các họ đạo Phước Dĩnh (Phước Lễ ngày nay), Thôm (Long Tân), Thành (Long Điền) và Đất Đỏ. Bốn chữ “Biên Hòa Tả Đạo” được xăm vào 2 bên má các tù nhân như lời bêu nhục Kitô giáo và cũng là lý do để các Kitô hữu bị giam cầm, ngược đãi.
288 tín hữu Công Giáo đã bị giam cầm vì đức tin, chịu chết vì lòng mến và đang an nghỉ trong niềm hy vọng phục sinh vinh hiển. 
Nhà ngục Phước Dĩnh được dành riêng để giam hơn 300 đàn ông, còn đàn bà và trẻ con được giam ở các nhà ngục khác ở Long Kiên, Long Điền và Đất Đỏ. Từ tháng 9 năm 1861, các tín hữu bị giam tù phải chịu rất nhiều khổ cực đớn đau. Đêm mùng 7 tháng 01 năm 1862, khi quân đội Pháp tiến quân từ Vũng Tàu theo ngả sông Dinh để đánh chiếm Phước Tuy, quan quân triều đình biết là không thể kháng cự nổi nên đã quyết định rút khỏi Bà Rịa, và vì không muốn tha người Công Giáo, trước khi rút quân họ đã nổi lửa đốt cháy các nhà ngục, thiêu sống các tù nhân. Chính trong đêm ấy, mạng sống của các chứng nhân đức tin đã được trọn vẹn dâng lên Thiên Chúa trong cuộc tử đạo như một lễ vật toàn thiêu.

Ngày 8 tháng 01 năm 1862, cha Croc và cha Trí đã chôn xác các vị tử đạo trong ba huyệt mộ gần bên nhà ngục. Tháng 10 năm 1865, cha Jules Jean-Baptiste Errard đến coi sóc giáo xứ Phước Lễ. Cha đã truy tìm danh tính các tín hữu đã chết trong biến cố đốt ngục năm 1862 và cho cải táng hài cốt các ngài vào chung một ngôi mộ được đào ngay trên ngục thất đã bị đốt.

Nấm mồ bằng cẩm thạch được cha đưa về từ Hồng Kông vào năm 1871, và từ đó đến nay, ngôi nhà nguyện trên mộ các vị tử đạo tại Bà Rịa đã trở thành nơi cầu nguyện, kính viếng và tưởng nhớ những người đã chết vì đức tin, và mãi mãi là một chứng tích nhắc nhở mọi giáo dân sống đời Kitô hữu theo gương các vị tiền nhân anh dũng.
Xin cho chúng con luôn sống trung thành với đức Tin đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội, không sờn lòng trước những bách hại tinh thần lẫn thể xác, không nhường bước trước những cám dỗ thế tục khiến chúng con sống như những người không tin có Chúa. Và luôn tôn trọng sự thật, không gian dối đảo điên, lường gạt nhưng luôn sống thật với chính lương tâm ngay chính của mình. 

Thứ sáu 14/9/2018 - Lễ Suy tôn Thánh Giá
Lời Chúa: Ga 3, 13-17

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Nicôđêmô rằng: “Không ai lên trời được, ngoài người đã từ trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên trời. Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời. “Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Suy niệm :
Thập giá là dấu chỉ của niềm tin Kitô giáo, vì không có Thập giá thì không có ơn Cứu Độ, một sự trao đổi quá lạ lùng, Thiên Chúa đã dùng sự ô nhục của loài người để làm nên ơn Cứu Độ. Quả thật là Thiên Chúa vô biên, Ngài muốn dùng những gì đi ngược lại với thế gian, để những gì mà thế gian cho là tồn tại thì nó sẽ tiêu tan trước Thánh Nhan Thiên Chúa. Nghĩa là sự hư vô của trần gian, là sự vĩnh hằng của Thiên Chúa.
Khi suy tôn Thánh Giá, người Ki-tô hữu suy tôn ơn cứu độ và niềm hy vọng của chính mình. Nơi Thánh Giá, họ hiểu ơn cứu độ được Thiên Chúa ban nhưng không cho con người, chứ không do bất kỳ công nghiệp nào của họ. Người suy tôn Thánh Giá đầu tiên và trọn vẹn nhất là thân mẫu Ma-ri-a đứng chết lặng dưới chân thập giá, người thứ hai (theo truyền thuyết lâu đời của Giáo Hội) chính là Ma-ri-a Mác-da-la ôm lấy chân thập giá… Sau đó là các môn đệ Gio-an và Phê-rô v.v…; mỗi người một kiểu, họ đều biểu dương thập giá như nguồn ơn cứu độ và niềm hy vọng duy nhất của mình. Họ suy tôn Thánh Giá trong cảm nhận con người thấp hèn và tội lỗi, và chính thập giá lúc đó làm cho niềm hy vọng của họ bừng sáng lên.

Lạy Chúa Ki-tô thập giá, xin hãy giúp con biết suy tôn Thánh Giá Chúa bằng cả cuộc sống con. Con muốn suy tôn Thánh Giá như Mẹ Ma-ri-a hay thánh Gio-an, nhưng cũng có nhiều khi con lại dễ suy tôn hơn như Mác-đa-la hay Phê-rô. Dầu với biểu hiện nào đi nữa, xin cho đời con không ngừng được việc suy tôn này biến đổi từng ngày, trong việc nhận biết mạc khải tình yêu, trong niềm hy vọng đón nhận ơn cứu độ, và trong nếp sống hiền hòa với hết thảy mọi người. A-men.

Không có nhận xét nào: