Một hôm Ngài rơi vào tay một tên cướp. Tên này dọa giết Ngài, trước khi chết Ngài xin hắn một ân huệ. Ngài chỉ vào một cây lớn trước mặt và nói:
- Ngươi hãy cắt đứt một nhánh cây.
Trong nháy mắt, tên cướp vung kiếm chém đứt một nhánh cây. Đức Thích Ca nói tiếp:
- Bây giờ ngươi hãy ráp nhánh cây vào thân cây.
Tên cướp cười gằn, nói:
- Mi quả là tên khùng nên mới nghĩ rằng ta có thể làm được điều đó. Đức Thích Ca liền dạy hắn một bài học:
- Ngươi mới là tên khùng khi nghĩ rằng sức mạnh con người có thể gây thương tích và phá hủy. Người có sức mạnh thực là người biết sáng tạo và chữa lành.
Cái nhìn của Chúa Giêsu và các đối thủ của Ngài rất khác nhau: Chúa Giêsu thấy một người cần được Ngài giúp đỡ; còn họ thì không để ý đến người tàn tật mà chỉ lo rình mò xem Chúa Giêsu có làm sai luật không để mà bắt bẻ.
Khi người khô tay đã được lành, các Biệt phái và Luật sĩ không vui mừng với anh mà lại tức giận với Chúa Giêsu và bàn nhau hại Ngài. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Lời Chúa sau đây :
Thứ hai 10/9/2018 - Tuần 23 TN
Lời Chúa : Lc 6,6-11
Một ngày sa bát khác, Đức Giêsu cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giêsu có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo ngươi bại tay :” Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây !” Người ấy liền chỗi dậy và đứng đó. Đức Giêsu nói với họ: “ Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay : “ Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh lìên trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không.
Chúa Giêsu đã đến và đưa con người trở lại cái cốt lõi của đạo. Tin Mừng hôm nay ghi lại một nỗ lực của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở cho người Do Thái về cái cốt lõi ấy của đạo được thể hiện qua lề luật. Một trong những khoản quan trọng của lề luật chính là ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho nó tinh thần và ý nghĩa của yêu thương. Không có tình thương lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn.
Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày Hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa. Và không gì đúng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Hưu lễ cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân. Chính trong ý nghĩa ấy mà Chúa Giêsu đã chữa lành một người có bàn tay khô bại trong ngày Hưu lễ.
Lề luật là thể hiện ý muốn của Chúa, và ý muốn của Chúa không gì khác hơn là con người được sống, và sống dồi dào, sung mãn, là sống yêu thương. Như vậy chu toàn lề luật trước tiên là sống yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra. Xin giúp chúng con được tự do thực sự : tự do trước những đòi hỏi của thân xác, tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ. Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ, để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng, để chúng con được tự do bay cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét