Khi quyền lực không được kiểm soát thì sự tha hóa là điều không thể tránh khỏi. Robert Mugabe từ một anh hùng dân tộc giải phóng Zimbabwe thoát khỏi ách nô lệ đã trở thành nhà độc tài trị vì đến 37 năm rồi hôm qua (21/11) phải từ chức bẽ bàng ở tuổi 93 là do thiếu sự kiểm soát.
Không phải ngẫu nhiên mà những nhà lập quốc của nước Mỹ từ 230 năm trước đã quy định trong Hiến pháp là nhiệm kỳ của tổng thống chỉ 4 năm, muốn làm thêm phải tranh cử lại, và chỉ làm tối đa 2 nhiệm kỳ. Họ biết rõ năng lực cá nhân không thể cưỡng lại được thời gian và tạo hóa, và điều này phải được quy định bằng luật để phòng tránh những ham muốn tột độ cá nhân.
Họ biết rõ sự tha hóa quyền lực của cá nhân sẽ là vô biên khi cá nhân đó nắm quyền hành lớn mà không bị kiểm soát. Tổng thống dù được dân bầu cũng chỉ giữ chức lãnh đạo cơ quan hành pháp, không có quyền tối thượng.
Sự tha hóa luôn thường trực trong mỗi cá nhân, từ ông Tổng thống đến người bảo vệ, quyền hành càng lớn thì nhu cầu chiếm đoạt càng sinh sôi theo cơn nghiện, vấn đề là phải có “vòng kim cô” chặn lại. Khi người điều hành chính quyền có dấu hiệu tha hóa, lập tức hệ thống kiểm soát sẽ kích hoạt, ra tay dẹp bỏ hay ngăn chặn.
Ngồi quá lâu dẫn đến tự mãn nên ông Mugabe đã không lập ra sự kiểm soát, tự thân đã tha hóa lúc n ào không hay, dần dần trở thành nhà độc tài và tham nhũng, và cách để bảo vệ mình chẳng có gì khác ngoài bạo tàn.
Giờ đây, triều đại của ông Mugabe cáo chung, nghị sĩ Quốc hội vui mừng, dân đổ ra đường vỡ òa. Ai cũng thấy, nhưng nếu nói Mugabe xấu hổ khi “về làm ruộng” cũng không chắc, vì u mê mãi trong “cơn nghiện quyền lực” kéo dài. Quyền lực khi không được kiểm soát luôn làm con người ta mờ mắt và mất trí luôn là điều dễ hiểu./.
Thứ tư 25/7/2018 -
Lễ Thánh Gia-cô-bê tông đồ
Lời Chúa : Mt 20,17-28
(17) Lúc sắp lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: (18)"Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, (19) sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy".
(20) Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (21) Người hỏi bà: "Bà muốn gì?" Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy". (22) Ðức Giêsu bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?" Họ đáp: "Thưa uống nổi". (23) Ðức Giêsu bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho; Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được".(24) Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. (25) Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. (26) Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. (27) Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. (28) Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người".
Suy niệm :
Thời đại này, con người chuộng sống, sợ chết, ham quyền lực địa vị, của cải. Họ đi tìm hạnh phúc ở đời này dù chỉ là những cuộc ham vui chóng qua, rồi sau đó lại rơi vào thất bại ê chề. Bài Tin Mừng mà Thánh Mat thêu thuật lại hôm nay như đi ngược chiều dòng lịch sử ấy, Nói đúng hơn Thánh sử đang trình thuật về một vương quốc khác hẳn thế giới này: Một vương quốc mà Đức Vua phải chịu tử hình bởi con dân Ngài. Một vương quốc mà mọi thần dân phải bước trên con đường đau khổ, vác thập giá cuộc đời thì mới đến ngai tòa vinh hiển. Một vương quốc lấy dân làm gốc, lấy tình yêu làm luật, lấy sự phục vụ chăm sóc người khác làm dây thắt lưng... Thoạt nghe, chúng ta chắc hẳn sẽ nghi ngờ và cho rằng điều đó chỉ có thể xảy ra trong mộng tưởng. Nhưng có một con người đã sống chết cho vương quốc ấy và đang mời gọi chúng ta tiếp bước là Đức Giêsu- Chúa chúng ta.
Chúa Giêsu mời gọi mười hai tông đồ quy tụ lại quanh Ngài và dạy cho họ về ý nghĩa quyền bính có lẽ họ rất bất ngờ về những điều Ngài nói! Chúa Giêsu đảo ngược thang giá trị quyền lực theo kiểu thế gian thường nghĩ. Ngài đảo ngược giá trị giữa chủ và tớ, đứng đầu và cuối chót! Ngài kết hợp quyền hành đi liền với tình yêu, địa vị với sự hy sinh, phục vụ với sự khiêm nhường. Quyền bính mà vắng bóng tình yêu sẽ nên độc đoán và mù quáng. Địa vị mà không biết tôn trọng người khác và quan tâm đến kẻ dưới mình sẽ trở nên thô lỗ. Phục vụ mà không có lòng quảng đại và sự hy sinh sẽ mất ý nghĩa và không còn giá trị.
Lạy Chúa Giê su, giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi, Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng, xin cho các kitô hữu chúng con trở thành tình yêu cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét