Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Thành kiến xấu



Kết quả hình ảnh cho suy niệm tin mừng Mc 6,1-6


Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.
       "Tấm vải bẩn thật" - Cô vợ thốt lên. "Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn". Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: "Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?"
Người chồng đáp: "Không. Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy".

Thực ra mỗi người trong chúng ta, ai cũng đều giống như cô vợ trong câu truyện kia. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ những vệt màu của cảm xúc, bám dày lớp bụi bặm của thành kiến và những kinh nghiệm thương đau. Chúng ta trở nên phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là "lỗi lầm của người khác".

Một điều dễ nhận diện là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn ai cũng thấy dễ chịu, gặp chuyện gì cũng dễ thứ tha. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ khoan thứ để nhẫn nại một lời nói khó nghe, những chuyện tưởng chừng khó chấp nhận, thì chúng ta cũng dễ dàng thỏa hiệp. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái, mọi chuyện trôi qua một cách nhẹ nhàng. Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng mà dân làng của Chúa có thành kiến về Ngài ra sao.

Chúa nhật 08/7/2018 - Tuần 14 TN
Lời Chúa : Mc 6,1-6

(1) Ðức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. (2) Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? (3) Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. (4) Ðức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." (5) Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. (6)Người lấy làm lạ vì họ không tin.

Bài Tin mừng đã nói lên thiên kiến của những người đồng hương. Thiên kiến là ý kiến mình có sẵn về một người hay một vấn đề. Người có thiên kiến xét người và vật theo suy nghĩ riêng chứ không dựa trên cơ sở khách quan trung thực.
            Thiên kiến là mắt kính mầu. Vì đeo kính mầu nên ta thấy mọi vật đều nhuộm mầu của kính. Đeo kính mầu xanh, ta thấy mọi vật đều xanh. Đeo kính mầu hồng ta thấy mọi vật đều hồng. Hồng, xanh là ở mắt kính chứ không ở sự vật. Vì thế phán đoán của người có thiên kiến thường không chính xác.
            Vì họ biết quá rõ về Chúa: Là thợ mộc, con thợ mộc, từ thán phục kinh ngạc họ chuyển sang thái độ bỡ ngỡ, nghĩa là kinh ngạc nhưng nghi ngờ. Càng nghĩ đến thân thế, nguồn gốc, địa vị xã hội và họ hàng của Chúa Giêsu, họ càng thấy khó chịu, nên họ có vẻ châm biếm khi gọi Ngài là thợ mộc.
         Một người như vậy mà có thể là ngôn sứ, là Đấng Mêsia ư? Trăm lần không, ngàn lần không, và họ đã bị vấp phạm, có nghĩa là bị xúc động mạnh vì bị chạm tự ái. Họ không thể công nhận một người như thế làm ngôn sứ, làm Đấng Mêsia của họ, cho dù Ngài ăn nói giỏi hay làm được phép lạ cũng thế. Từ đó, sự hiện diện của Ngài khiến họ không thể chịu nổi.
          Khi kể về họ hàng, bà con của Chúa Giêsu, Thánh sử Marcô đã không nói gì về Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Có lẽ Thánh Giuse đã mất khá lâu, nên hình ảnh của ông đã rơi vào quên lãng trong ký ức của những người đồng hương nên Marcô không liệt kê ở đây. Có truyền thuyết cho rằng Thánh Giuse mất khi Chúa Giêsu được 14 tuổi, chắc chắn sau sự kiện Chúa Giêsu lên Đền thờ Giêrusalem năm 12 tuổi và bị lạc mất, khi ấy chính Thánh Giuse và Mẹ Maria đã trở ngược lại Đền thờ để tìm Ngài..

Thiên kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của loài người, không ai thoát khỏi. Chúng ta hằng to tiếng lên án lối sống phô trương bên ngoài. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại hay căn cứ vào những cái bên ngoài mà đánh giá thiên hạ. Xin mời Bạn cùng đọc :

Lạy Chúa Giêsu, những định kiến về nhau đã ngăn cản chúng con đến với Chúa và đến với nhau. Xin dạy chúng con biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn Chúa, để Chúa biến đổi tấm lòng ích kỷ hẹp hòi của chúng con cho chúng con biết đón nhận nhau với tất cả những gì chúng con “là” như chúng con là những người con đang thi hành ý Chúa mà thôi. Amen

Không có nhận xét nào: