Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Người tông đồ theo gương Chúa


Kết quả hình ảnh cho đức cha cassaigne

Trong bản tường trình năm 1920, Đức cha Victor Quinton Giám mục Giáo phận Sài Gòn đã nói đến ý định truyền giáo cho người dân tộc trên cao nguyên Djiring – Langbiang. Nhưng công cuộc truyền giáo này chỉ thực sự bắt đầu khi Đức cha Dumortier đặt cha Jean Cassaigne, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris đến Di Linh năm 1927. Đức cha Dumortier viết trong bản tường trình năm 1927 như sau:

“Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho tôi một vị tông đồ như ý để khởi sự công cuộc truyền giáo cho người dân tộc. Tôi thấy cha Cassaigne được chuẩn bị tốt để chịu được gian khổ thiếu thốn. Vừa khi biết chương trình truyền giáo của tôi, cha Cassaigne đã tình nguyện và bày tỏ niềm vui khôn tả khi nghe tôi công bố việc bổ nhiệm ngài vào công cuộc này”.

Đến ngày 24-1-1927, cha Cassaigne mới có thể từ Đà Lạt chính thức đến nhận thí điểm truyền giáo Di Linh. Toà Giám mục Sài Gòn đã chuẩn bị cho ngài một căn nhà mua lại của ông Ngô Châu Liên để làm cơ sở lập thí điểm truyền giáo.

Ngay trong buổi chiều đầu tiên đến vùng đất Di Linh, cha Cassaigne đã nhìn thấy những người dân tộc lặng lẽ nghi ngại đi ngang qua nhà ngài. Ngài đã nhìn thấy những anh chị em dân tộc được trao phó cho ngài, cả một cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đợi ngài. Để có thể gặp gỡ những người dân tộc rụt rè nhút nhát trước những người xa lạ, cha Cassaigne khởi sự bằng cách học nói tiếng của họ, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết. Cha Cassaigne đã phải mày mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Công việc này đã cuốn hút vị thừa sai trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, vào tháng 12-1929 cha Cassaigne đã xuất bản Từ điển Pháp – Kơho – Việt, đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơho, một công trình rất đáng trân trọng vì góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển cho người dân tộc Kơho.

Tin Mừng của Chúa đã được người dân tộc đón nhận vì họ cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua những hành vi bác ái yêu thương của cha Cassaigne. Họ đã thực sự nhận ra cha Cassaigne yêu thương họ qua việc ngài yêu thương đón nhận và nuôi dưỡng những anh chị em phong cùi của họ, những con người bất hạnh vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị lây nhiễm đã xua đuổi họ vào trong những khu rừng vắng để họ chết dần chết mòn trong nỗi đau thể xác và tinh thần.

Ngày 17-2-1929, cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Phong Di Linh. Ngài đã xây dựng Trại Phong thành một gia đình ấm cúng che chở những bệnh nhân phong cùi bất hạnh để cho cuộc đời của họ được yên ủi sớm tối có nhau...

...Cha Phanxicô Darricau, một linh mục MEP, đã viết về sự kiện Đức cha Cassaigne trở lại Trại Phong Di Linh như sau: “Ngài đã về và đã được đón tiếp trọng hậu, tôn kính. Nhưng nhà chưa xây ngay được nên ngài đã đến ở chung với tôi tại Ka-la, cách Trại Phong hai cây số. Nhà xứ của tôi nhỏ, không cung cấp nổi cho ngài một căn phòng riêng. Ngài cũng không muốn lấy phòng của một đồng nghiệp. Chúng tôi lấy tấm màn ngăn phòng ăn làm đôi, một bên là giường nhỏ của ngài, một bên là cái bàn ăn. … Suốt trong sáu tháng, chúng tôi có niềm vui được sống chung với nhau. Sau đó ngài tới sống tại căn nhà dành riêng cho ngài ở Trại Phong. Nhưng trưa nào ngài cũng về Ka-la dùng bữa với tôi, khẩu phần có khá hơn trong trại. … Bao nhiêu sức lực còn lại ngài dành để phục vụ Trại Phong. Sức ngài giảm nhiều so với trước kia, do những đau đớn của căn bệnh…”

Cha Christian Grison, người quản nhiệm cuối cùng của Trung tâm Thượng Di Linh (từ 1965 đến 1975), người đã gần gũi với Đức cha Cassaigne trong mười năm cuối cùng của ngài tại Trại Phong Di Linh, đã viết về Vị Tông đồ người phong cùi như sau: “Tôi được phúc sống mười năm gần Đức cha Cassaigne, vì thời gian đó tôi phụ trách xứ đạo Thượng tại Di Linh. Tôi đã chứng kiến tình cảm ưu ái mà ngài khơi dậy khi ngài trở nên nhỏ bé với những kẻ nhỏ bé, trở nên phong cùi với những người phong cùi. Sự mến phục người ta dành cho ngài đó, không bao giờ ngài sử dụng vì lợi ích riêng của mình; tất cả được hướng về sự cứu trợ cho người phong cùi. Mối quan tâm duy nhất của ngài, tôi có thể nói là nỗi ám ảnh đối với ngài cho đến khi ngài chết, đó là tìm nguồn tài trợ cho Trại Phong…”

Đức Cha Cassaigne đa nghe theo lời mời gọi của Chúa : Phục cụ trong tinh thần khó nghèo và khiêm tốn .Xin Mời Bạn đọc Lời Chúa : 

Thứ năm 12/7/2018 - Tuần 14 TN
Lời Chúa : Mt 10, 7-15
“Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không”.


Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con hãy đi rao giảng rằng ‘Nước Trời đã gần đến’. Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
“Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: ‘Bình an cho nhà này’. Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy”.

Người môn đệ cần phải sống thật đơn giản, không bám víu vào của cải vật chất…những thứ này sẽ có người khác lo “vì thợ thì đáng được nuôi ăn”. Sở dĩ, người môn đệ phải sống siêu thoát như thế là để tín thác vào Chúa và tập trung cho việc loan báo Nước Trời.
       Chúa Giêsu đã sống tinh thần nghèo khó ấy, khi nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Cũng vậy, Người môn đệ của Chúa không có thứ vật chất nào là bảo đảm, chắc chắn, ngay cả chỗ tựa đầu. Họ đi tới đâu cũng là nhà, và mọi người đều là anh em của họ.
         Không màng chi tiền bạc, không coi trọng vật chất…xem ra là một điều rất khó, thậm chí còn là một thách đố cho người môn đệ. Bởi vì, những thứ đó là nhu cầu và gắn liền với cuộc sống con người. Dường như có được nó, con người sẽ trở nên phấn khởi, cảm thấy sảng khoái, cuộc sống trở nên thú vị hơn. Thấy trước được mối nguy hiểm đó, Chúa Giêsu đã đưa ra những hành trang cụ thể cho người môn đệ: không vàng bạc, không tiền giắt lưng, không bao bị, không giày dép, cũng như không mặc hai áo. Nếu quá chú trọng vào vật chất, người môn đệ sẽ dần đánh mất đi căn tính của mình, là sứ giả loan báo Nước Trời.
       Đâu đó không thiếu hình bóng của người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, họ sống đúng với căn tính của mình, quên tất cả để chỉ dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng.
       Nhưng, cũng không thiếu hình bóng của những người môn đệ chưa chu toàn nhiệm vụ của mình, thích vun vén cho đời sống cá nhân hơn cho cộng đoàn, thích tìm những tiện nghi vật chất để hưởng thụ.
    Vậy, Người môn đệ cần phải thật giàu có về đời sống tinh thần: đức tin, lòng mến, niềm hy vọng, tình yêu…, chỉ khi mình phong phú về những thứ ấy, thì mới có thể chia sẽ cho người khác về Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê su, với ý nghĩa của lời Chúa dạy con hôm nay, giúp con nhìn lại cách làm việc tông đồ của con từ trước đến giờ. Con sẽ luôn nhắc nhở mình đã được Chúa yêu thương một cách nhưng không thì cũng phải cho một cách nhưng không. Con sẽ không lo tìm kiếm và bám víu vào những giá trị vật chất, nhưng sẽ toàn tâm toàn ý để rao giảng Tin Mừng của Chúa. Lạy Chúa, xin cho con một tâm hồn thanh thoát vì con là Tông Đồ của Chúa. Amen.

Không có nhận xét nào: