Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

Hành động làm ấm lòng người

Kết quả hình ảnh cho Hai bé ăn xin gầy gò
Hai bé ăn xin gầy gò và hành động không ngờ của thực khách ở quán gà
Theo lời của nickname Dương Độ kể vào trưa ngày 17/8 có việc vào Vinh nên anh cùng một người anh của mình đã ghé vào quán gà rán ăn trưa.
          Đang ăn được một lát thì chàng trai này thấy có hai đứa bé mặt mày lấm lem, thân hình gầy gò với bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát, ngửa đôi bàn tay có cầm vài đồng tiền lẻ và ngước mắt nhìn hai anh em đang ăn với giọng nói yếu ớt: "Các chú, làm ơn cho con ít nghìn được không"?
         Trước giọng nói của đứa bé, hai anh em như lặng đi. Nhưng họ quyết định không cho em bé một đồng nào cả mà thay vào đó là mời chúng một bữa ăn trưa cùng với hai anh em. Hai em bé ngồi ăn ngon lành vì đã nhịn đói từ hôm trước.
          Theo lời của chàng trai thì khi ngồi trò chuyện cùng 2 đứa nhỏ, anh biết có một đứa 9 tuổi và một đứa 10 tuổi. Hai em bé này là anh em cùng mẹ nhưng khác cha. Hai bố của chúng đều bỏ đi khi chúng còn nhỏ, còn mẹ thì bị bệnh đã mất rồi.
        Hai đứa trẻ còn một người anh trai đánh giày ở Vinh, còn quê gốc thực chất là ở Hà Tĩnh mới lang thang ở Vinh được 1 tháng nay.Trong đoạn chia sẻ của mình, facebooker Dương Độ viết: "3 anh em chúng nó, anh đi đánh giày, 2 đứa em đi xin tiền... Hôm nào thằng anh đánh được vài đôi giày hay mấy đứa em xin được một số tiền thì 3 đứa vào chợ Vinh ăn cơm.
      Hôm nào thất thu thì 3 đứa lại vào chợ Vinh xin ăn, hoặc vào chỗ KFC này ăn đồ thừa của người ta bỏ lại. Tối về ngủ lại mấy chiếc ghế đá, hôm nào mưa thì lại kéo nhau chạy vào chỗ nhà có mái hiên để trú mưa. Mấy đứa quê ở Hà Tĩnh, mới lang thang ở Vinh được 1 tháng nay thôi".
      "Thiết nghĩ độ tuổi 9-10 là độ tuổi để ăn và chơi, độ tuổi mà kí ức để lại sẽ là những khoảng trời màu hồng trong sự đùm bọc của cha mẹ và gia đình. Nhưng sao nhìn hình ảnh 2 đứa bé đang ăn vội vã bên cạnh, tôi thấy khoảng trời của chúng sao bão tố và mịt mù tăm tối nhiều tới vậy? Những đứa bé với khuôn mặt lem luốc, quần áo rách nát và đôi tay bé nhỏ chai sạn đi nhiều, không biết sau bữa ăn này, bọn nó có được ăn no như thế này nữa hay không? Tôi hi vọng là có!
      Nhoằng một lúc 2 đứa đã ăn hết phần ăn của mình, tôi mua cho chúng thêm một suất mang về vì biết người anh của chúng chắc cũng chưa có gì trong bụng. 2 đứa cúi đầu cảm ơn ríu rít và xin phép đi vội để đem đồ ăn về cho anh trai.


Hành động của 2 thực khách trên đây đã để lại cho tôi một ấn tượng tốt đẹp về tình người, giữa một xã hội đầy sự vô cảm, hờ hững và ích kỷ như hôm nay. Một hành động rất hiếm gặp, một lòng trắc ẩn giữa tình người khi đối xử với nhau, với người đồng loại. Hành vi này cũng rất hiếm vào thời Chúa Giê su... Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :

Thứ hai 03/10/2016 - Tuần 27 TN
Phúc Âm: Lk 10:25-37.

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? " Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri-a kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác."

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? " Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Suy niệm :
Người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.
    Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.


Tâm tình :
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết đem những lời Chúa dạy để thực hành trong cuộc sống bằng cử chỉ bác ái yêu thương anh em xung quanh. Nguyện xin Chúa kiện toàn lòng bác ái của con, một lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; một lòng bác ái vị tha, không bị lấm bẩn bởi bản tính ích kỷ trục lợi. Amen.

Không có nhận xét nào: