Gần nhà tôi có đôi vợ chồng tuổi trung niên lấy nhau được mười lăm năm và đã có với nhau hai mặt con. Hằng ngày anh chồng chạy xe ôm đều mang tiền về nhà nuôi vợ con. Gần đây khi xăng lên giá, việc chạy xe thu nhập không còn được như trước. Ngày nào đưa tiền về không đủ sở hụi là chị vợ mặt nặng mày nhẹ và nói những câu chì chiết khiến anh tức bực sinh ra rượu chè. Nhiều lần nghe vợ nói cạnh nói khóe bị chạm tự ái nhưng vẫn cố nín nhịn bằng cách lấy xe đi ra khỏi nhà để tránh cãi nhau. Hôm đó nghe vợ chê trách, trước khi bỏ đi anh chồng đã nói thòng thêm một câu cho đỡ quê : “Cô có im đi không? Cô mà nói thêm là coi chừng ăn đòn !”. Bị chạm tự ái vì câu hăm dọa của anh chồng xưa nay vốn hiền lành nhẫn nhịn, chị vợ đã chạy theo nắm lấy tay anh và thách thức : “Nè, có “ngon” thì đánh tui đi ! Đánh đi ! Chớ đừng nói rồi không dám làm thì hèn lắm!”. Và thế là “bốp ! Bốp !...” Chị vợ bị hai cái tát trên má. Chị lại la tóang lên: “Anh dám đánh tui hả? Ối làng nước ơi! Nó đánh tui!”. Cũng may mà có mấy người hàng xóm nghe tiếng xô xát đã kịp thời chạy tới can ngăn nên gia đình mới tạm yên. Về sau khi đã bình tĩnh, anh chồng đã tâm sự với anh bạn hàng xóm: “Thực ra, tôi không muốn đánh cổ làm chi. Nhưng cổ thấy tôi nhẫn nhịn lại càng làm tới thách thức, nên tôi không giữ được bình tĩnh đã phải tát cho cô ấy hai cái để mong được yên thân”.
Câu chuyện trên đây cho ta thấy nguy hai của sự thách thức.Nhiều khi bực quá, tức quá thì dọa mấy câu cho bả ấy ngán mà im miệng. Ai dè bả lại cãi lại và còn thách thức : “Này, dám đánh không ? Nói mà không làm là hèn, là hạng …tiểu nhân !”. Như vậy là do tự ái, nên anh chồng mới phải chứng tỏ “quân tử nhất ngôn”. Vậy là nhiều bà vợ đã bị ăn đòn do tội thách thức khinh thường chồng! Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê su đã không làm như vậy. Khi dân chúng đòi Ngài làm phép lạ Ngài đã không làm. Không vì tự ái, sĩ diện, Chúa rất bình tĩnh giải thích phép lạ không quan trọng bằng việc sám hối thay đổi đời sống. Xin mời bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau đây :
Thứ Hai 10/10/2016 - Tuần 28 TN
Phúc Âm: Lk 11:29-32.
29 Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.
30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.
31 Trong cuộc Phán Xét, Nữ Hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sô-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sô-lô-môn nữa.
32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
Suy niệm :
Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Tâm tình :
Lạy Chúa Giê su, xin bạn cho con đức tin mạnh mẽ, để con nhận ra Chúa đang đồng hành với con giữa muôn nghìn dáng vẻ. Xin cho con nhận ra Chúa qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa và các biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời con. Để mỗi giây phút qua đi, con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dạt dào trên cuộc đời con. Xin cho con luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống của con và ước gì con cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh để họ nhận biết Chúa là Đấng cứu độ duy nhất. Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét