Cô ấy không xinh
Gặp vợ sắp cưới của Nhân, ngay cả người bạn thân nhất của cậu ấy chỉ ậm ừ, rồi buông một câu: “Ờ, mà cô ấy không được xinh cho lắm, nhỉ?”. Đã quen rồi, Nhân cũng chẳng bận lòng. Là bạn thân, nên cậu ta nhận xét vậy là còn tế nhị chán. Ngày Nhân dẫn Lê về gia mắt ra đình, mặt mẹ Nhân sa sầm, Lê về rồi, bà và chị gái Nhân phản đối kịch liệt, bảo Nhân điên rồi, giữa bao cô gái xinh tươi, lại đi quen con bé xấu như ma. “Mẹ nhất quyết là không, con mà cứ ưng nó, thì đừng bao giờ dẫn nó về đây gặp mẹ nữa.”
Mẹ Nhân ngày xưa là hoa khôi Sài Gòn, chị gái Nhân cũng từng tham gia vài ba cuộc thi người đẹp. Nhân lớn lên, cặp bồ cũng toàn những cô xinh như mộng. Thế nên bây giờ, việc Nhân chọn một cô gái ngoại hình không đẹp về làm vợ, đã khiến nhiều người không tài nào hiểu nổi.
Quả là Lê không xinh tí nào. Da Lê ngăm đen, mắt một mí, dáng người hơi thấp và tròn. Phải nhìn thật lâu, thật lâu mới nhận ra cái nét duyên ngầm lặn vào trong. Mà cái duyên này chỉ có Nhân, và một vài người thân thiết với Lê nhận thấy. Còn hầu như, người ta bị cái vẻ “không xinh” của cô ấy át mất rồi.
Mọi sự phản đối cuối cùng cũng bị đánh bật bởi quyết tâm của Nhân. Mẹ Nhân đành chịu thua cậu con cứng đầu. Các cô bồ cũ của Nhân dè bỉu. Bạn bè lôi chuyện của Nhân làm đề tài vui đùa. Bạn thân của Nhân thì bảo: “Nó lấy Lê vì ơn nghĩa…”.
Chỉ có Nhân và Lê là rất bình thản, đi ngang mọi sự, như không hề biết đến những lời bàn tán xôn xao. Ngày cưới, nhìn cả hai tươi rói, mẹ Nhân thở dài, nói với mấy bà bạn: “Chẳng biết có được dăm bữa nửa tháng không đây?”. Mấy người bạn Nhân xì xào: “Cũng tội con bé, xấu mà lấy chồng đẹp trai thì phải khư khư canh giữ, khổ cả đời!”
Ngày tháng trôi qua, bạn Nhân cũng lần lượt lấy vợ lấy chồng, vài ba cặp cãi cọ, vài ba cặp ly hôn. Riêng Nhân và Lê, cái sự đổ vỡ mà người ta tiên đoán đã không xảy ra. Bây giờ, bạn bè thích đến nhà Nhân vào mỗi dịp lễ. Căn nhà nhỏ, gọn gàng và ấm cúng. Lê có gu thẫm mỹ nên mọi thứ sắp xếp đâu ra đấy. Bạn của chồng, Lê niềm nở tiếp đón như bạn của mình. Đôi khi Lê cũng ngồi góp chuyện. Lê ít nói, nhưng mỗi lời nói ra lại khiến mọi người bật cười vì sự thông minh, hóm hỉnh. Hai đứa con gái giống bố, trắng trẻo và xinh xắn; giống mẹ ngoan ngoãn và ý tứ.
Ở cơ quan, chị em ngưỡng mộ Nhân hết mức, vì anh thương vợ thuơng con. Nhân đi đâu, làm gì cũng không muốn bỏ bữa cơm gia đình. Ai nói gì, Nhân cũng cười: “Vợ nấu cơm vừa nóng hổi, vừa ngon lành. Trước khi ăn hai đứa con gái còn đấm lưng cho, tội gì phải đi la cà!”. Đó là Nhân còn chưa kể, trong bữa ăn, không lúc nào vắng những tiếng cười rộn ràng. Cũng có đôi lúc cơm không lành canh không ngọt, nhưng vợ Nhân rất biết lùi, nên chẳng khi nào đẩy sự việc đi quá xa… Vợ chồng Nhân làm ở hai công ty nhỏ, lương cũng chỉ ở mức kha khá, thế mà Lê xoay xở giỏi, tháng nào cũng dư chút ít để gửi ngân hàng, lại còn biếu mẹ Nhân ít tiền tiêu vặt. Giờ bà cụ đi đâu cũng khoe thẳng Nhân nhà tôi có phúc, vợ giỏi, con ngoan.
Kỷ niệm mười năm ngày cưới, Nhân làm bữa tiệc, mời thêm chục người bạn lâu năm. Ngà ngà say, Nhân cười cười, nhìn vợ đắm đuối như ngày mới yêu: “Hồi xưa tôi đi công trình về, ngang Củ Chi, bị xe tông gãy chân. Sợ nhà lo nên không cho ai biết. Chị em Lê không biết tôi là ai, thấy tội nên đưa vô nhà chăm sóc, thuốc thang. Đưa lên trạm y tế, cha y sĩ thay băng bị chửi quá trời, ông thay băng thí mồ, cái cô gái hôm trước đâu phải y sĩ, mà thay êm ru. Mấy ngày đó Lê thường lên trạm y tế chăm tôi, tôi mang ơn lắm. Đến khi lành hẳn, chuẩn bị về lại thành phố, mới thấy hình như mình không phải chỉ biết ơn. Ngay lúc đó, nói thật với mấy ông, tôi đã nghĩ, ước gì cô gái này sẽ làm vợ mình…”
Nhân kể xong, cười ha hả. Lê thì đỏ mặt, mắt mơ màng nhớ chuyện ngày xưa. Vài người bạn cũng hơi sượng sùng, có lẽ thoáng nghĩ lại thái độ chê bai của mình ngày trước.
Bây giờ thì bạn Nhân hay nói: “Lấy vợ mà được như Lê, vợ Nhân là nhất!”.
Câu chuyện trên đây, cho ta bài học về đánh giá một người, đừng vội chê bai khi ta chưa biết rõ họ và chưa sống với người đó, vì thế đừng vội khen chê, đừng vội vỗ tay tán thưởng hay quay mặt chê bai.
Ðạo đức là một điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ.Làm việc lành là một điều tốt, nhưng nếu việc lành khiến tôi khinh miệt tha nhân thì thật là nguy hiểm.
Dụ ngôn sau đây cho thấy hai khuôn mặt trái ngược: người pharisêu công chính và người thu thuế tội lỗi.Chúng ta cần hình dung cách đứng cầu nguyện của họ,và cần suy nghĩ về lời họ thưa với Chúa.Lời nguyện nào cũng phản ảnh tâm hồn. Người pharisêu trước hết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì ông thấy mình hơn kẻ khác nhiều. Ông liệt kê những tội ông không hề phạm, và những việc đạo đức ông quen làm, vượt quá điều Lề luật đòi hỏi.
Ông vừa cầu nguyện, vừa liếc mắt nhìn anh thu thuế đứng ở xa phía dưới.
Ông thấy mình hơn hẳn anh ta. Ðúng ông là một người giàu, vì ông chẳng có gì phải nài xin Thiên Chúa! Xin mời Bạn cùng đọc :
Phúc Âm: Lk 18:9-14. Thứ bảy 05/03/2016 Tuần III Mùa Chay
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:
10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.
11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.
12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
Tâm tình : "Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa.Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau". Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét