Cái giếng nước
Một vị thiền sư đi ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì bị ốm nặng. Ông được một bà goá là chủ quán trà cứu và đưa về nhà chăm sóc. Mặc dù không biết tung tích vị thiền sư, quán nghèo thưa thớt khách, không có tiền nhưng người phụ nữ vẫn tận tình chăm sóc và cứu chữa cho ông.
Hơn 3 tháng ròng vị thiền sư mới bình phục. Cảm động ân tình của bà chủ quán, vị thiền sư trước khi rời đi dành một tuần liền để đào một cái giếng cạnh quán cho bà goá tiện dùng nước, không phải ra tận suối gánh nữa.
Không ngờ, từ khi dùng nước giếng mà vị thiền sư đã đào để pha trà bán, trà của bà goá có mùi thơm thật đặc biệt và vị của trà cũng rất ngon. Ai uống một lần cũng phải quay lại. Tiếng lành đồn xa, quán trà của bà goá khách đến đông nườm nượp. Người đàn bà goá trở nên giàu có từ đó.
Ít lâu sau, vị thiền sư có dịp ghé qua quán để thăm lại ân nhân của mình, thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư rất mừng cho bà goá. Khi hỏi về giếng nước, bà goá than phiền với thiền sư: “Giếng nước này tốt lắm, có điều nước cạn liên tục, vài ngày mới lại đầy nên tôi chẳng bao giờ đủ để bán cho khách”. Vị thiền sư nghe xong lắc đầu, nói: “Không tốn kém gì cả, từ nguồn nước trời cho rồi kiếm ra nhiều tiền mà bà vẫn không thấy hài lòng ư?” .
Ông viết lên tường một câu: “Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!” rồi lẳng lặng quay đi, không bao giờ quay trở lại quán nữa. Giếng nước từ ấy cũng cạn
Mời Bạn đọc những phân tích về tham vọng dưới đây
Tham vọng
Ngược với khát vọng là tham vọng. Tham vọng sẽ khiến bạn như bị "ma đưa lối, quỷ dẫn đường". Bạn sẽ chẳng còn mắt để nhìn, tai để nghe và cái đầu để suy nghĩ cho tỉnh táo. Bạn sẽ trở thành nô lệ của cái ác, sẵn sàng làm điều xấu, điều ác...
Và thế nào để nhận ra bạn đang "có tham vọng" hay "nuôi dưỡng khát vọng":
Luôn ảo tưởng về khả năng thật sự của bản thân.
Người có tham vọng bao giờ cũng nghĩ mình là người tài giỏi, luôn đứng cao hơn người khác, chẳng bao giờ có được sự khiêm tốn và sự tỉnh táo, khách quan để nhận ra rằng "nhân vô thập toàn", bản thân mình còn rất nhiều khiếm khuyết, còn thua người này, kém người kia.
Không thể chịu nổi khi ai đó cho rằng "mình chỉ thế thôi"
Người tham vọng ghét cay ghét đắng ai đó dám nói thẳng với họ rằng: “Anh (chị) cũng thường thôi, còn phải phấn đấu, học hỏi nhiều”. Người tham vọng không chịu nổi khi trước mặt họ, người ta chỉ ca ngợi anh A., chị B. có nghiệp vụ giỏi, sống lành mạnh, biết yêu thương, chia sẻ với đồng nghiệp và có động cơ phấn đấu trong sáng mà không đoái hoài gì đến họ. Họ sẵn sàng kết tội người khác thiếu sâu sắc, khách quan hoặc thiếu vô tư, công bằng khi nhìn nhận, đánh giá về họ.
Luôn luôn không bằng lòng với những gì mình đang có
Người có khát vọng cũng thường rất khắt khe với bản thân, luôn không bằng lòng với mình và đặt ra những mục tiêu nghiêm ngặt cho mình trong học tập, nỗ lực phấn đấu để đạt được.
Người tham vọng cũng luôn không bằng lòng với những gì mình có, song không bao giờ nhận lỗi về mình, không thấy bản thân cần phải phấn đấu rèn luyện ra sao mà chỉ thấy sao tạo hóa và cuộc đời lại bất công với mình thế. Mình luôn kém may mắn và luôn bị người khác đối xử thiếu khách quan, thiếu công bằng với mình, thậm chí là luôn trù dập mình. Một tâm lý u uất, bức bối và bất mãn luôn bao trùm trong con người tham vọng.
Rất dễ dàng kết tội người khác
Nhất là khi người tham vọng muốn một điều gì cụ thể mà không đạt được, hoặc lầm tưởng vị trí này, chức vụ kia phải là của mình nhưng thực tế không được, thế thì họ như biến thành con người khác: cay cú, bất mãn, thậm chí là thù hận và sẵn sàng kết tội một cách thiếu căn cứ, rất cảm tính đối với người khác. Họ chỉ còn nhìn thấy cái xấu, cái tiêu cực mà phủ nhận mọi cái tốt ở người khác.
Và bằng mọi giá
Và bằng mọi giá, kể cả những việc mà một người bình thường sẽ không bao giờ hành xử như thế thì người có tham vọng mà không đạt được vẫn cứ làm. Con người họ luôn sẵn sàng nổ tung cho những cuồng vọng của mình. Họ để lại bao nhiêu sự thất vọng, lời oán than cho những ai là nạn nhân của họ, kể cả người thân trong gia đình họ.
Nếu ai nào cảm thấy mình có một vài biểu hiện của tính tham vọng thì cần tỉnh táo và biết dừng lại nếu không muốn phải trả giá đắt trong cuộc sống, trong sự nghiệp và cả hạnh phúc riêng tư.
Tham vọng không loại trừ một ai, nó xâm nhập vào từng ngõ ngách của cuộc sống, bất kể nam hay nữ, người giàu hay người nghèo, người được tuyển chọn hay người thường dân...Các tông-đồ cũng là những con người, mặc dù được Chúa Giêsu kêu gọi và hướng dẫn, nhưng các ông vẫn còn mang tính ích kỷ và thói muốn vượt trổi người khác. Trình thuật hôm nay kể hai người con ông Zebedee là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?" Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Xin mời Bạn cùng đọc đoạn Tin Mừng sau :
Phúc Âm: 35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây."
36 Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? "
37 Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang."
38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? "
39 Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu.
40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được."
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an.
42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.
43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;
44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.
45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."
Tâm tình : Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay có quá nhiều con người sống ích kỷ, ham mê danh vọng, quyền bính cùng với lợi nhuận vật chất. Tuy nhiên vẫn có những con người dám "liều mạng"vì Tin Mừng, đánh đổi tất cả vinh hoa phú quý đời này để lấy phần thưởng Nước Trời mai sau gần đây nhất như Mẹ Tê rê sa Calcuta, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, và còn biết bao người đang sống hy sinh quên mình âm thầm phục vụ ở những nơi hẻo lánh, bẩn thỉu, nghèo đói, nơi con người bị bỏ rơi và không ai muốn đến v.v...họ mang tất cả trái tim, tình thương,và tuổi xuân trao hiến cho Anh chị em, vì tin họ là hiện thân của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy con qua bài Tin Mừng trên đây là "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người." Là môn đệ của Đức Kitô, xin cho con biết noi gương Ngài để khiêm nhường phục vụ tha nhân; xin cho con có tâm hồn quảng đại và một trái tim biết yêu thương để con mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự sống cho họ và cho thế giới ngày càng biết Chúa là Đấng đã yêu thương họ từ đời đời . Amen
Lạy Chúa, Chúa đã dạy con qua bài Tin Mừng trên đây là "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người." Là môn đệ của Đức Kitô, xin cho con biết noi gương Ngài để khiêm nhường phục vụ tha nhân; xin cho con có tâm hồn quảng đại và một trái tim biết yêu thương để con mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự sống cho họ và cho thế giới ngày càng biết Chúa là Đấng đã yêu thương họ từ đời đời . Amen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét